Tọa đàm trực tuyến 'Nâng cao năng suất quốc gia, tạo động lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới'

(VietQ.vn) - Chiều nay (18/12/2025), Tạp chí Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng cao năng suất quốc gia, tạo động lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới”.
Tọa đàm trực tuyến: ‘Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên gia, thúc đẩy phong trào năng suất tại Việt Nam’
Tọa đàm trực tuyến: Hoàn thiện quy định về trạm sạc, thúc đẩy phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và hội nhập sâu rộng, nâng cao năng suất chất lượng không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Năng suất không chỉ là thước đo hiệu quả mà còn là thước đo của sự tiến bộ.
Tính đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đang đứng thứ 34 trong Top 40 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào GDP bình quân đầu người và năng suất lao động, Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung nguồn lực, từng bước nâng cao năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Nhằm phân tích đa chiều, thảo luận sâu về vấn đề nâng cao năng suất quốc gia thông qua góc nhìn của cơ quan quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp, Tạp chí Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao năng suất quốc gia, tạo động lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới".
Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời:
+ TS. Trần Hậu Ngọc - Phó Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ;
+ PGS. TS. Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội;
+ Ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Phương.
Chương trình diễn ra vào lúc 14h30 ngày 18/2/2025, được cập nhật trực tuyến trên Tạp chí Điện tử Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) và các nền tảng mạng xã hội khác.

Ông Trần Văn Dư - Tổng Biên tập Tạp chí Chất lượng Việt Nam tặng hoa các vị khách mời tham dự chương trình tọa đàm.
MC Việt Hà: Trước hết xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình tọa đàm của Chất lượng Việt Nam ngày hôm nay. Câu đầu tiên xin hỏi TS. Trần Hậu Ngọc! Thưa ông, ông đánh giá gì về năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam và một số nước Châu Á trong những năm gần đây?
TS. Trần Hậu Ngọc: Như chúng ta đã biết, cải thiện và thúc đẩy nâng cao năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt vấn đề kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Viện Năng suất Việt Nam (thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia), tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2020 của Việt Nam vào khoảng 5,29%/năm. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, năng suất lao động tăng 5,88%/năm, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 05-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tư, BCHTW Đảng khóa XI về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó đề ra mục tiêu “Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%”.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng năng suất lao động đạt được cao nhất vào năm 2019 (đạt 6,28%). Bên cạnh đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân đạt 6,5%/năm. Điều này đặt ra những yêu cầu phải cải tổ, đẩy mạnh các đột phá, đặc biệt là đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong 3 năm từ 2020 đến 2023, tốc độ tăng năng suất lao động đã giảm hơn so với giai đoạn trước, sở dĩ có sự giảm là do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, bên cạnh đó, xung đột giữa Nga – Ukraine làm cho kinh tế toàn cầu giảm sút, điều này cũng làm cho các mặt hàng xuất khẩu có sự suy giảm.
Tuy nhiên đến năm 2024, năng suất lao động đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhờ nỗ lực tập trung cải thiện năng suất. Từ các hoạt động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhiều cơ hội phát triển đã được mở ra, cùng với chiến lược ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy chính sách khoa học công nghệ, trong đó đặc biệt các ứng dụng chuyển đổi số đã thay đổi phương thức sản xuất đáng kể.
Về năng suất lao động của Việt Nam và một số nước Châu Á, trong thập kỷ qua, năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng cao nhất trong các nước ASEAN. Giai đoạn 2016 - 2023, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam đạt 5,6%/năm, được ghi nhận là có tốc độ tăng năng suất trong nhóm nước dẫn đầu trong khu vực.
Giai đoạn này tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của một số nước: Singapore là 3,3%/năm, Malaysia tăng 2,6%/năm, Thái Lan tăng 2,6%/năm, Indonesia tăng 2,4%/năm, Philippines tăng 2,8%/năm, Brunei giảm 2,5%/năm, Hàn Quốc tăng 3,8%/năm và Nhật Bản giảm 0,2%/năm.
Với những nỗ lực cải thiện năng suất trong thập kỷ qua đã giúp cho Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng năng suất, tạo cơ hội thu hẹp dần khoảng cách về mức năng suất so với các nước có nền kinh tế tiên tiến hơn.
Năm 2023 - 2024, đối diện với thách thức suy giảm kinh tế toàn cầu, một số nước vẫn duy trì tốc độ tăng năng suất ở mức khá, bao gồm Hàn Quốc, Malaysia. Một số nước tăng trưởng năng suất chậm như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, thậm chí Singapore tăng trưởng âm.
Tốc độ tăng năng suất của Việt Nam đã chậm hơn giai đoạn trước và chỉ ở mức tăng trưởng trung bình dẫn đến nguy cơ ngày càng khó bắt kịp năng suất với các nước phát triển hơn.

Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm.
Vâng, xin cảm ơn TS. Trần Hậu Ngọc! Câu hỏi tiếp theo xin được gửi đến PGS. TS. Phan Chí Anh. Thưa PGS. TS. Phan Chí Anh, giáo dục và nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng như thế nào đến nâng cao năng suất quốc gia? Các trường đại học có thể hỗ trợ gì cho các chính sách của nhà nước trong việc nâng cao năng suất?
PGS. TS. Phan Chí Anh: Khu vực giáo dục được coi là chủ thể quan trọng trong phong trào năng suất quốc gia. Theo quan điểm của cá nhân tôi, hoạt động của các trường đại học hỗ trợ cho vấn đề nâng cao năng suất tại Việt Nam dưới 2 góc độ: Một là, sứ mệnh của các trường đại học là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Mỗi năm có khoảng 70, 80 vạn sinh viên tốt nghiệp đại học, ra trường và làm việc ở các khu vực của nền kinh tế quốc dân. Chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề sống còn, cũng là “chìa khóa” nâng cao năng suất chất lượng tại Việt Nam.
Hai là, các trường đại học có thể hỗ trợ phong trào năng suất quốc gia thông qua xây dựng chính sách, cùng tham gia thực hiện các chương trình khoa học công nghệ đưa ứng dụng về quản trị vào hoạt động của doanh nghiệp.
Điển hình như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng quốc gia có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và các trường đại học hàng đầu như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia Hà Nội,… Vì vậy tôi cho rằng, thời gian tới nên có sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các trường đại học đối với phong trào năng suất quốc gia.
Ngay trong năm 2024 vừa qua, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về năng suất chất lượng trong sinh viên. Tôi cho rằng đây là bước tiến quan trọng đối với thế hệ trẻ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và đưa họ “vào trận”, đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp sau khi ra trường.
Với vai trò là lãnh đạo doanh nghiệp đã áp dụng thành công nhiều công cụ cải tiến năng suất, ông Nguyễn Trung Thành có thể chia sẻ một số phương pháp cụ thể mà Tập đoàn Long Phương đã áp dụng? Và khi áp dụng các phương pháp này, doanh nghiệp có gặp phải khó khăn gì không?
Ông Nguyễn Trung Thành: Doanh nghiệp chúng tôi đã có quá trình hình thành, phát triển ngành gốm sứ trong 20 năm qua. Đặc biệt giai đoạn hậu Covid-19, Tập đoàn ưu tiên hàng đầu về phát triển công nghệ và tự động hóa. Một trong những giải pháp mà chúng tôi tự hào đó là chúng tôi đã mã hóa được sản phẩm, nguyên vật liệu để sản phẩm của Tập đoàn khi tới tay người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thực hiện chuyển đổi số đầu tư vào công nghệ cao. Đưa công nghệ AI vào tự động hóa về thiết kế và định hình khuôn mẫu cho ra sản phẩm có kiểu dáng đẹp và đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Từ năm 2021, chúng tôi đã đưa chiến lược công nghệ tự động hóa để thay đổi công nghệ trước đây, tạo ra năng suất cao hơn. Trước năm 2020, số lượng công nhân của công ty lên đến con số 400 - 500. Sau khi áp dụng công nghệ tự động hóa số lượng công nhận giảm đi chỉ còn 150 – 200. Chúng tôi cũng tạo ra hiệu suất về lao động tốt hơn thời kì mà chúng tôi chưa đầu tư vào tự động hóa.
Mặc dù vậy, khi áp dụng công nghệ khó khăn nhất mà chúng tôi thấy đó là chuyển giao công nghệ. Một số công nghệ nhập từ Đức và phải thuê chuyên gia từ Đức, Thổ Nhĩ Kỳ về hướng dẫn và chuyển giao công nghệ. Sau đó chúng tôi đã học tập và tự vận hành để làm chủ công nghệ.
Khi chúng ta áp dụng công nghệ cao đòi hỏi chuyên gia, kĩ thuật và từ đây xây dựng đội ngũ chuyên gia trong nước bằng việc học hỏi để tự chủ công nghệ và tự chủ mọi mặt. Như vậy, nguồn nhân lực đã được nâng cấp và năng suất cũng nâng cao trong doanh nghiệp chúng tôi.

TS. Trần Hậu Ngọc đang trả lời câu hỏi trong chương trình giao lưu trực tuyến.
Thưa ông Trần Hậu Ngọc, với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, ông có thể chia sẻ các chiến lược và chính sách mà Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đang thực hiện để thúc đẩy năng suất quốc gia cũng như kết quả đã đạt được?
TS. Trần Hậu Ngọc: Triển khai các mục tiêu cải thiện năng suất của Đảng và Chính phủ, nhiều chính sách, chương trình, hoạt động nâng cao năng suất đã được thực thi ở các bộ, các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thông qua đó, các kết quả cải tiến năng suất đã được ghi nhận. Năng suất nhân tố tổng hợp không ngừng cải thiện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Các chủ trương của Đảng và nhà nước thể hiện thông qua: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Đây là những định hướng rất quan trọng đã được đề ra.
Để cụ thể hoá những chủ trương theo Nghị quyết Đại hội Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến thúc đẩy năng suất. Trong đó, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (ban hành theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/08/2020 – Chương trình 1322) với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó là Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 36/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/1/2021). Mục tiêu nhằm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, TFP dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 (Quyết định số 1305/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/11/2023) với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.
Ngoài ra, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu đặt ra đến năm 2030 liên quan đến năng suất là: Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế.
Đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP.
Từ góc độ nghiên cứu và giáo dục, thưa PGS. TS Phan Chí Anh, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò ra sao trong nâng cao năng suất? Các chương trình đào tạo hiện nay có đủ đáp ứng yêu cầu thị trường, doanh nghiệp?
PGS. TS Phan Chí Anh: Bên cạnh vốn, công nghệ, quản trị,… thì nguồn nhân lực là đầu vào quan trọng của năng suất. Khi có con người tốt sẽ ra được vốn, công nghệ, phương pháp,... Có thể khẳng định, năng suất chất lượng bắt đầu từ con người.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, muốn đạt được thắng lợi chúng ta phải có cách làm năng suất riêng “lấy yếu đánh mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều” giống như trong quân sự. Và một lần nữa tôi nhắc lại, muốn có cách làm riêng phải xuất phát từ con người.
Đi vào chi tiết chúng ta biết rằng, tỷ lệ lao động Việt Nam thông qua đào tạo chiếm khoảng 50-60%, còn trong một số lĩnh vực quan trọng thì tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 25%. Như vậy, giáo dục tại các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề,… hiện nay có sứ mệnh rất quan trọng đó là đào tạo nâng cao năng lực và tay nghề của người lao động.
Về câu hỏi “các chương trình đào tạo hiện nay có đủ đáp ứng yêu cầu thị trường” hay không?, là một người làm giáo dục tôi cho rằng cách làm giáo dục đào tạo của Việt Nam ngày càng tiệm cận hơn so với chuẩn mực đào tạo quốc tế, gắn với thực tiễn và có nhiều cải tiến.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng luôn tồn tại khoảng cách giữa yêu cầu của thị trường với năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục. Sứ mệnh của các trường đại học, cao đẳng là cung cấp thái độ, kiến thức, kỹ năng cơ bản cho sinh viên. Còn một phần trách nhiệm rất quan trọng nữa là hoạt động đào tạo từ phía doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên trích ra một phần để đầu tư cho hoạt động đào tạo và đây là điều rất thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu của chính doanh nghiệp.
Thưa ông Nguyễn Trung Thành, trong quá trình áp dụng các công cụ cải tiến năng suất tại doanh nghiệp, ông có gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng cần thiết không? Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
Ông Nguyễn Trung Thành: Đào tạo nguồn nhân lực là câu chuyện xuyên suốt trong hành trình của doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp sản xuất về gốm sứ như chúng tôi. Để có những mẫu mã về sản phẩm chúng tôi phải có công nghệ cao liên quan đến vấn đề phòng kĩ thuật.
Đất nước Việt Nam trải qua 4000 năm lịch sử, lĩnh vực về gốm của chúng ta cực kì nổi tiếng, không những trong khu vực ASEAN mà có thể nói là ở khu vực châu Á. Đất nước chúng ta có nguồn tài nguyên dồi dào trong đó đất sét và cao lanh là 2 thành phần có thể tạo ra những sản phẩm về gốm sứ.

Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, chúng tôi cũng tìm kiếm các ứng viên về ngành gốm sứ. Thậm chí chúng tôi đi vào cả các trường mỹ thuật để tìm kiếm sinh viên ưu tú, chỉ cần các bạn nghĩ ra được vấn đề mẫu mã, hoa văn nhất là hoa văn các triều đại phong kiến.
Tôi cho rằng doanh nghiệp không thể phát triển nếu không có nguồn lực và nội lực. Các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ để vươn mình ra quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi phải đi khắp nơi như sang châu Âu làm việc với Đức, Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc và không phải bê hết công nghệ của họ về vì bê về cũng không áp dụng được thì điều đó là điều phản tác dụng. Chúng ta phải sử dụng nội lực của chúng ta. Chúng ta áp dụng công nghệ để cho ra sản phẩm đạt đủ độ tinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng hàng đầu, đó luôn là khó khăn của doanh nghiệp.
Dù chúng ta có áp dụng AI hay bất kể công nghệ tiên tiên nào đi nữa thì nhân lực vẫn là điều quan trọng nhất và là chủ đạo. Nhân đây, tôi cũng kiến nghị là nghiên cứu cho các doanh nghiệp làm sao phát triển được quy mô và có nhân lực chất lượng cao.
Chúng tôi đã có khách hàng ở Ấn Độ, Paskitan, Thái Lan... Trước đây, họ mua của Trung Quốc rất nhiều nhưng giờ đây đã quay về với chúng tôi. Bởi chúng tôi áp dụng mã hóa số và công nghệ làm sạch. Sản phẩm nung ở ở nhiệt độ 1380 độ thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Trong kỷ nguyên số, mọi thứ diễn biến rất nhanh chóng nên giáo dục cũng phải thích ứng linh hoạt nhằm xây dựng đội ngũ người lao động Việt Nam có đẳng cấp thế giới, có khả năng tạo ra giá trị phát triển vượt bậc. Bài toán này đặt ra những yêu cầu gì cho các cơ sở giáo dục, thưa PGS. TS. Phan Chí Anh?
PGS. TS. Phan Chí Anh: Trong bối cảnh mọi thứ đang được sắp xếp, thay đổi, tinh gọn, tôi cho rằng khu vực giáo dục cũng không ngoại lệ. Hiện nay, thách thức lớn đối với khu vực giáo dục là khả năng thích ứng linh hoạt đối với nhu cầu của thị trường.
Ví dụ như đối với doanh nghiệp, cốt lõi của sản phẩm là tiêu chuẩn chất lượng, còn trong lĩnh vực giáo dục chính là khung chương trình đào tạo. Trước kia xây dựng khung chương trình đào tạo theo khóa 4 năm, còn hiện nay thay đổi 1 năm 2 lần, thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đặc biệt, tôi nghĩ rằng xu hướng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng thời gian tới chính là đào tạo ra thế hệ sinh viên có khả năng khởi nghiệp, lập nghiệp. Nghĩa là phải dạy sinh viên có năng lực tự chủ, từ đó sinh viên có các phán đoán, kỹ năng để tồn tại trong bối cảnh biến đổi khó lường.
PGS. TS Phan Chí Anh giải đáp các câu hỏi được quan tâm trong chương trình tọa đàm.
Các ưu tiên chiến lược của Việt Nam về tăng năng suất quốc gia để thích ứng với bối cảnh mới khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình như thế nào thưa ông Trần Hậu Ngọc?
TS. Trần Hậu Ngọc: Có thể nói, những năm gần đây, đặc biệt năm 2024, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra mục tiêu rất cụ thể. Trong đó, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động đưa ra chương trình triển khai nghị quyết của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã giao Viện Năng suất Việt Nam nghiên cứu các yếu tố đầu vào để đạt tăng trưởng TFP trong thời gian tới nhằm góp phần phần triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Với vai trò đứng đầu nhóm nghiên cứu mạnh về năng suất tại Đại học Quốc gia Hà Nội, thưa ông Phan Chí Anh, ông có thể chia sẻ về những thách thức và cơ hội trong việc đưa các nghiên cứu về năng suất vào ứng dụng thực tế tại doanh nghiệp?
PGS. TS. Phan Chí Anh: Từ năm 2010, Đại học Quốc gia Hà Nội có xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó có nhóm nghiên cứu mạnh về năng suất chất lượng tại doanh nghiệp do tôi làm Trưởng nhóm. Nhóm chúng tôi hoạt động được hơn 10 năm với các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước, có 2 nhiệm vụ chính: Nhiệm vụ thứ nhất là nghiên cứu các vấn đề cơ bản như mô hình quản trị chất lượng trong chuỗi cung ứng, quản trị thông tin chuỗi cung ứng,… Nhiệm vụ thứ hai là nghiên cứu các ứng dụng vào doanh nghiệp.
Cho đến nay chúng tôi đã công bố khoảng hơn 100 nghiên cứu cùng các bài báo khoa học trong và ngoài nước, xuất bản hàng chục cuốn sách, thực hiện 8 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp,… Tôi cho rằng thách thức lớn nhất đối với chúng tôi chính là lo sợ lạc hậu về tư duy, phương pháp, kiến thức, trong khi sức sáng tạo của sinh viên cũng như sự thay đổi trong các lĩnh vực hiện nay là rất lớn.
Nhìn chung có thể hiểu chúng tôi là tổ chức khoa học công nghệ trung gian giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Tôi cho rằng, muốn phát triển mạnh mẽ phong trào năng suất chất lượng thì khối trung gian cũng cần phát triển mạnh. Muốn như vậy cần có sự đầu tư xứng đáng để các tổ chức khoa học công nghệ trung gian trở thành tổ chức có tính chất dẫn dắt, xuất phát từ tính mới và tính đột phá.
Thưa ông Nguyễn Trung Thành, khi triển khai hoạt động cải tiến năng suất chất lượng, ông có cảm nhận gì về sự thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Trung Thành: Trước đây chúng tôi có hơn 500 công nhân trong rất nhiều khâu. Sau khi áp dụng công nghệ tự động hóa và một số công nghệ khác, số lượng nhân sự giảm đi đến 97%. Đương nhiên, khi áp dụng công nghệ cao giúp giảm thiểu lao động phổ thông thì hiệu suất sản phẩm tăng và rõ ràng khi hiệu suất tăng thì giá trị vốn hóa của sản phẩm được cải thiện.
Cơ hội cạnh tranh thị trường từ nội địa đến quốc tế có rất nhiều. Chính vì vậy, với hành trình 20 năm chúng tôi có những giá trị văn hóa doanh nghiệp bước đầu. Và khi thay đổi quy mô, nguồn lực, chúng tôi đã đem lại cho cán bộ công nhân viên điều kiện về cơ chế, chính sách tốt nhất.
Đối với văn hóa doanh nghiệp phải đem lại phúc lợi như các vấn đề về thu nhập, văn hóa, tinh thần. Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, khi càng phát triển chúng ta cũng phải có sự chiếm lĩnh về thị trường. Đối với các sản phẩm chúng ta phải có sự độc tôn để mở rộng hệ thống. Và khi mở rộng hệ thống chúng ta cần tuyển dụng các nguồn lực chất lượng. Thay vì đào tạo ở trường lớp về lý thuyết chúng ta phải có thêm lực lượng lao động tay nghề cao. Vậy nên, cần phải song song thực hiện cả 2 điều đó. Tại doanh nghiệp của chúng tôi có đội ngũ tay nghề cao, kinh nghiệm tới 17, 18 năm và vẫn gắn bó, tôi cho rằng, đó là giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp chúng tôi.
Để đạt được mục tiêu nâng cao năng suất quốc gia, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, chúng ta cần những giải pháp gì để đạt được mục tiêu này trong thời gian tới?
TS Trần Hậu Ngọc: Để phát triển lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TW về tăng cường phát triển công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đến năm 2030. Có thể nói rằng, Chỉ thị là định hướng cho ngành tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong 10 năm tới. Để triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1703/QĐ-CP chỉ đạo 6 nhóm thực hiện công tác. Trong đó, có những vấn đề cần tăng cường, thứ nhất là xây dựng thể chế; thứ hai là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các chính sách, luật, trong đó, chúng tôi cũng đã đẩy mạnh xây dựng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, dự kiến hai Luật sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 trong năm 2025.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế. Trong khuôn khổ thực hiện Quyết định 1703/QĐ-CP sẽ trình Thủ tướng ban hành Đề án hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh triển khai Chương trình 1322, trong đó, đào tạo cũng là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất chất lượng. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ hướng việc đào tạo nhiều hơn đến các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đưa ra các dự án triển khai làm sao gắn với các trường đại học để tăng cường đào tạo cho cán bộ doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số chủ trương trong Nghị quyết 57/NQ-BCT, Nghị quyết 03/NQ-CP triển khai Nghị quyết 57/NQ-BCT làm sao để thực sự đưa những chủ trương này vào cuộc sống thì rất cần công tác truyền thông và cải cách thể chế trong toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Mỗi cá nhân phải tự ý thức và có trách nhiệm để thúc đẩy năng suất đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
PGS. TS. Phan Chí Anh: Với hoạt động năng suất chất lượng quốc gia, về phía ngành giáo dục, tôi mong muốn nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy liên quan đến năng suất chất lượng tại các trường đại học. Hiện nay, nước ta có 240 trường, trong đó, các trường trọng điểm liên quan đến năng suất chất lượng là không nhiều, trong mỗi trường ít nhất cũng có một vài chuyên gia. Chính vì vậy, với thế mạnh của Ủy ban là kết nối các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa thế giới (ISO),… làm sao thông qua các tổ chức này có chương trình đào tạo bồi dưỡng để các khu vực giáo dục có các chuyên gia về lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, cần có sự đổi mới trong Chương trình 1322, cụ thể là các doanh nghiệp cần có những đề xuất để làm sao nâng cao năng suất chất lượng trong thời gian tới và hướng đến sự phát triển toàn diện. Về phía đào tạo, cần có sự gắn kết gần gũi và chặt chẽ hơn giữa phía Ủy ban TCĐLCL Quốc gia và doanh nghiệp, để cùng nhau phát triển và nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nguyễn Trung Thành: Dưới góc độ doanh nghiệp tôi xin đưa ra 3 đề xuất. Thứ nhất, chúng ta có rất nhiều hiệp hội tuy nhiên hiệp hội về gốm sứ chưa hình thành và phát triển một cách chuyên nghiệp. Tôi nghĩ phải làm sao để các hiệp hội thực sự là liên minh của doanh nghiệp để định hình, phục vụ thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.
Thứ hai, về sự hợp tác. Trong 20 năm phát triển của doanh nghiệp chúng tôi rất chật vật về nguồn lực. Thậm chí, có những lúc muốn vươn mình nhưng không kết nối được. Do vậy, chúng ta nên nghiên cứu để doanh nghiệp hàng đầu có được sự hợp tác, phát triển trong sự liên kết với nhau.
Thứ ba, nên có sự bảo hộ. Tất cả sản phẩm chúng ta sản xuất ra có những sản phẩm do doanh nghiệp tự công bố về tiêu chuẩn chất lượng. Đối với sản phẩm về gốm sứ xuất khẩu rất nhiều nên việc đưa ra tiêu chuẩn để tự Việt Nam mình lấy tiêu chuẩn đó đem đi thế giới để sản phẩm của Việt Nam tự tin về chất lượng và hội nhập với thế giới là rất cần thiết trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay.
MC Việt Hà: Vâng, xin cảm ơn chia sẻ từ các vị khách mời. Thưa quý vị, cuộc trao đổi cùng các vị khách mời hôm nay không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các yếu tố quan trọng trong nâng cao năng suất chất lượng mà còn đưa ra những giải pháp thực tiễn để doanh nghiệp có thể áp dụng trong quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đất nước đang “vươn mình” để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của phát triển và thịnh vượng.
Một lần nữa, xin cảm ơn các vị khách mời đã có những chia sẻ rất sâu sắc và bổ ích. Cảm ơn quý vị khán giả đã dành thời gian theo dõi và tham gia chương trình.
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
BBT