Báo động: Tôn giả dồn dập đổ vào Việt Nam

author 06:46 28/11/2015

(VietQ.vn) - Tình trạng tôn thép giả, kém chất lượng đang đổ dồn vào Việt Nam ở mức báo động nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng, cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thông tin trên được ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết tại hội thảo “Tình trạng tôn gian, tôn kém chất lượng nhập khẩu, hậu quả và giải pháp”.

Tại hội thảo, các chuyên gia lĩnh vực tôn thép cho biết: Tình trạng tôn giản, tôn kém chất lượng không những diễn ra ở một vài cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, mà đã “lây lan” mạnh mẽ trên diện rộng. Theo đó, mặt hàng này phủ sóng từ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng…

Tôn giả dồn dập đổ vào Việt NamTôn giả đang hoành hành thị trường Việt Nam

Đưa ra những dẫn chứng về tình trạng tôn giả, kém chất lượng, ông Thanh cho biết, hoạt động này rất tinh vi. Hầu hết các loại tôn này đều bị gian lận về độ dày tấm tôn và dộ dày lớp mạ, tức độ dày thực tế của tấm tôn thấp hơn so với độ dày mà nhà sản xuất công bố, được thể hiện ở dòng in trên bề mặt tấm tôn. Ngoài ra, mặt hàng này có thể gian lận về độ dày lớp mạ so với công bố của nhà sản xuất.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cũng cho biết, tình trạng tôn giả tràn lan trên thị trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như nguồn thu ngân sách.

“Tình trạng tôn gian, tôn kém chất lượng dễ dàng lừa được người tiêu dùng bằng giá cả thấp hơn so với hàng chính hiệu, dẫn đến việc doanh nghiệp bị mất thị phần tiêu thụ. Đặc biệt, nó tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, điều đó sẽ triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép và dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế”, ông Thanh cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tôn giả, tôn nhái được “đội lột” khá tinh vi khi lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất tôn có uy tín để in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Thậm chí, nhiều nhà nhập hàng Trung Quốc kém chất lượng còn in nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín của Việt Nam để tiêu thụ.

Ông Sưa cũng cho biết thêm, tình trạng này đang làm ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giảm thị phần của các nhà sản xuất trong nước, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, ngân sách Nhà nước thất thu. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng bị “móc túi” do mua phải hàng không đủ chất lượng, trong một số trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng con người.

Tình trạng tôn giả, tôn kém chất lượng đang được xem là vấn nạn, khiến khá nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao khi mất thị phần. Chính vì vậy, theo nhiều nhà chuyên môn, để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan quản lý cần có những chế tài mạnh để kiểm tra nghiêm ngặt.

Theo ông Vũ Văn Thanh, hiện doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng tôn gian, tôn kém chất lượng đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Theo đó, trước mắt, cần có chế tài mạnh để kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh gian dối. Biện pháp khả thi cao sẽ là có một quy định cụ thể và chặt chẽ về in thông tin sản phẩm trên bề mặt tôn, vì hiện nay nhãn hàng hóa chỉ in trên bao bì của cuộn tôn.

“Về lâu dài, cơ quan chức năng cần có một bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về chất lượng tôn thép. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên có sự lựa chọn thông thái khi mua hàng để đảm bảo chất lượng công trình. Riêng các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận người tiêu dùng, tư vấn cho họ nên mua sản phẩm nào thì đạt chất lượng và mua ở đâu”, ông Thanh kiến nghị.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp sản xuất phối thép trong nước, gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc, các phôi thép này có thành phần Bo trên 0.0008% hoặc Cr trên 0.3% nên được phân loại vào mã HS 7224 (là thép hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác, các bán thành phẩm bằng thép hợp kim khác) và hưởng thuế suất thuế nhập khẩu là 0% và được sử dụng làm phôi cán thép xây dựng thông thường. Trong khi đó, nếu nhập khẩu từ Trung Quốc về phôi thép không hợp kim sẽ phải chịu thuế suất 9% (theo biểu mẫu MFN).

Như vậy, với giá phôi thép bình quan hiện nay là 300 USD/tấn thì Nhà nước sẽ bị thất thoát khoảng 27 USD cho một tấn phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang