TP. Hồ Chí Minh: Ô nhiễm nguồn nước lên mức báo động ở kênh Ba Bò

author 06:17 19/02/2024

(VietQ.vn) - Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện công tác phối hợp kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Cái - suối Xuân Trường.

Theo kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước kênh Ba Bò năm 2023 bị ô nhiễm do các thông số hữu cơ. Phần lớn các vị trí quan trắc không đạt, thậm chí nhiều thông số tại tất cả các vị trí quan trắc không đạt, vượt mức quy định từ 2 đến 64 lần. Chẳng hạn như thông số Coliform 100% vị trí quan trắc không đạt, vượt mức quy chuẩn Việt Nam từ 5 đến 64 lần.

Tình trạng ô nhiễm đáng báo động ở kênh Ba Bò TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Minh Quân

Tương tự, tuyến suối Nhum - suối Cái - suối Xuân Trường (TP Thủ Đức) cũng có hàng loạt thông số hữu cơ không đạt quy chuẩn Việt Nam. Chất lượng nước đang ở mức ô nhiễm nặng, chủ yếu do ảnh hưởng các thông số hữu cơ. Cụ thể, nhiều thông số không đạt ở tất cả các vị trí quan trắc, vượt quy định hàng trăm đến hàng ngàn lần. Điển hình như Coliform vượt mức quy định từ 28 đến 280 lần. E.coli vượt mức quy định từ 200 đến 5.600 lần.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa đưa ra hàng loạt chỉ đạo nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Cái - suối Xuân Trường khu vực giáp ranh với Bình Dương.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp với sở, ban, ngành và TP Thủ Đức tăng cường quan trắc chất lượng môi trường nước và kiểm tra, giám sát các nguồn thải thuộc lưu vực kênh Ba Bò và tuyến thoát nước suối Nhum - suối Cái - suối Xuân Trường.

Cụ thể, xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức (khu vực II, III - quận 9, quận Thủ Đức cũ).

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp có xả thải ra lưu vực này, có lộ trình xử lý dứt điểm các cơ sở vi phạm về xả thải, đảm bảo nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường quản lý về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đối với đoạn kênh hở của tuyến suối Nhum - suối Cái - suối Xuân Trường; chỉ đạo thực hiện nạo vét bùn đất bồi lắng, vớt rác, xử lý lục bình, cỏ dại và khơi thông dòng chảy.

UBND TP HCM cũng đề nghị Đại học Quốc gia TP HCM tiếp tục tăng cường quản lý khu vực đất chưa triển khai dự án; phối hợp chính quyền địa phương (TP HCM và Bình Dương) tiếp tục thường xuyên rà soát, giám sát đảm bảo không có trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên phần đất tiếp giáp tuyến suối Nhum.

Không chỉ trên địa phận TP Thủ Đức, UBND huyện Bình Chánh cũng đã phát hiện và xử phạt nhiều hộ kinh doanh vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục đúng hướng. Trong thời gian tới, UBND huyện, sở ngành và cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp xử lý mạnh mẽ đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, bao gồm cả việc ngừng cung cấp điện, nước sản xuất và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm nhiều lần.

Tổng thể, các biện pháp được đưa ra hứa hẹn mang lại sự cải thiện đáng kể trong chất lượng môi trường nước khu vực, đồng thời tạo ra môi trường sống lành mạnh và bền vững cho cộng đồng.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang