TP HCM: Thủy sản nhiễm hóa chất cấm vẫn ở mức cao

author 14:35 29/09/2016

(VietQ.vn) - Theo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM, tình hình chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản vẫn cao.

Cụ thể, PLO đưa tin, trong chín tháng đầu năm 2016, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM đã lấy 548 mẫu để kiểm tra, phân tích dư lượng các chất cấm trong thủy sản. Kết quả phân tích phát hiện có 76 mẫu có tồn dư kháng sinh hoặc hóa chất cấm, chiếm 14% tổng số mẫu xét nghiệm.

Trong 335 mẫu thủy sản được lực lượng chức năng lấy từ chợ đầu mối Bình Điền để phân tích thì có tới hơn 16% mẫu có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm.

Qua thanh tra, kiểm tra tại 160 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn TP và ba nhà lồng ở chợ Bình Điền. Kết quả có tới 51/160 cơ sở vi phạm không đảm bảo ATTP trong quá trình kinh doanh thực phẩm thủy sản, chiếm gần 32%.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cho rằng, tỉ lệ mẫu kiểm tra phát hiện chất cấm cao là do việc lấy mẫu không chọn theo kiểu đại trà mà tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao.

Đáng lưu ý, các mẫu xét nghiệm phát hiện dư lượng chất cấm hầu hết có nguồn gốc từ các tỉnh, thành khác đưa về TP tiêu thụ còn các cơ sở sản xuất trên địa bàn thì kết quả kiểm tra, phân tích không phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. Do đó, việc truy xuất sản phẩm vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.

Thông tin trên NLĐ, ông Sơn cũng thừa nhận không thể nhận biết thủy sản nhiễm kháng sinh bằng mắt thường, ngay cả dân trong nghề. Do vậy, chỉ có thể khuyến cáo người dân mua thủy sản rõ nguồn gốc, những nơi có áp dụng quy trình sản xuất tốt như GAP, GMP để hạn chế thấp nhất nguy cơ.

Cho con nghịch pin đồ chơi có ngày mất mạng vì nhiễm độc chì(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, pin đồ chơi thường được bọc bằng kẽm, nhưng nếu trẻ ngậm mút lâu ngày hoặc làm sứt quả pin cũng sẽ có nguy cơ nhiễm độc chì.

Đối với thủy sản hiện nay đã có một số sản phẩm được thí điểm kiểm soát theo chuỗi thực phẩm an toàn như: tôm nước lợ, cá thát lát, cá điêu hồng, cá kèo, cá chẽm, cá viên với sản lượng cung cấp cho thị trường đạt 1.558 tấn/năm.

Theo ông Sơn, để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, các lực lượng chức năng phải tiếp tục tăng cường kiểm tra kháng sinh, hóa chất cấm trong các sản phẩm thủy sản. Đồng thời khuyến cáo tới người sản xuất không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm từ gốc.

Ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho biết,  tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp gây tồn dư trên thực phẩm cho người không chỉ nhức nhối ở nước ta mà trên toàn thế giới. Điều này vô cùng nguy hiểm vì con người sẽ phải đối diện với những bệnh không có thuốc chữa do tình trạng kháng kháng sinh (lờn thuốc). Do đó, nhà nước cần quan tâm đến vấn đề này để bảo vệ sức khỏe giống nòi.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang