TPBVSK Shami Xoan 'dựa hơi' người nổi tiếng, quảng cáo sai chức năng

author 09:20 26/04/2021

(VietQ.vn) - Sản phẩm Shami Xoan do Công ty TNHH TM và DV GRIFFIN Việt Nam (số 393, Trường Chinh, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phân phối đã sử dụng danh nghĩa người nổi tiếng, gắn mác công nghệ hiện đại để quảng cáo sản phẩm lừa dối người tiêu dùng.

 Những hội thảo "tự xưng" nhằm tô vẽ cho hình thức quảng cáo bát nhát của sản phẩm Shami Xoan

Trước tiên, trong rất nhiều quảng cáo, sản phẩm này được giới thiệu với những công dụng chính là: Điều trị dứt điểm các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi khi thời tiết thay đổi, ngứa mắt, mỏi mắt, giảm trí nhớ, xoang mũi kèm theo ho nhiều đờm, đau đầu, nghẹt mũi, điếc mũi...

Thậm chí, quảng cáo còn “nổ” Shami Xoan đã giúp hàng ngàn người thoát khỏi bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng lâu năm, đồng thời phòng tránh những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như: Viêm xoang mãn tính, tai biến ung thư niêm mạc xoang. Hay đây là viên uống chữa xoang hàng đầu Việt Nam với công nghệ Nano mới nhất từ Nhật Bản tăng khả năng thẩm thấu gấp 10 lần giúp đánh bật hoàn toàn viêm xoang, viêm mũi dị ứng.

 Người tiêu dùng không nên tin vào những lời quảng cáo có cánh như thế này!

Trong các video quảng cáo, Shami Xoan được giới thiệu do TS. Nguyễn Thị Tâm Thuận kết hợp với các chuyên gia đầu ngành Việt Nam và Nhật Bản nghiên cứu trong nhiều năm. Không những vậy, quảng cáo gắn mác với các diễn viên, ca sỹ như: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sỹ hài Thu Trang, Xuân Hinh... nhằm mục đích “dựa hơi” nổi tiếng để người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm. Các nội dung nghệ sĩ thể hiện đều một công thức là bị viêm xoang và sau khi dùng Shami Xoan đã thoát khỏi căn bệnh này mà không cần phẫu thuật.

Tại các trang website, hình ảnh bác sỹ tư vấn, hội thảo, bài báo viết mô tả về công dụng sản phẩm Shami Xoan được sử dụng nhan nhản như cố tính lấy lòng tin người tiêu dùng. 

Dối trá về công dụng, Shami Xoan còn “vống” các con số không kiểm chứng như:Thành phần từ thảo dược thiên nhiên kết hợp với công nghệ JAS, JIS siêu hoạt hóa độc quyền từ Nhật an toàn và hiệu quả hơn gấp 300 lần, trên 96% người dùng phản hồi tác dụng hiệu quả rõ rệt chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.

Tăng sinh khả dụng của các dưỡng chất, hiệu quả thẩm thấu nhanh gấp 10.000 lần giúp rút ngắn thời gian điều trị. Bào chế dạng sủi giúp đẩy nhanh tốc độ hấp thụ gấp nhiều lần, kích thích sự lưu thông máu ở các hốc xoang ổn định quá trình tái tạo dịch nhầy ở mũi gấp 89 lần.

Lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo  

Theo tìm hiểu, sản phẩm Shami Xoan chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được Cục ATTP cấp giấy xác nhận quảng cáo 2739/2020/XNQC-ATTP, ngày 28/08/2020. Sản phẩm này chỉ có chức năng hỗ trợ, không thể điều trị dứt điểm bệnh. Nhưng sản phẩm này vẫn cố tình “thêm” nhiều tác dụng so với bản công bố. 

Theo Cục An toàn thực phẩm, việc quảng cáo TPCN phải tuân thủ Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 181/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân không quảng cáo TPCN có tác dụng chữa bệnh, không dùng hình ảnh, thư cảm ơn của bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm.

Hành vi cố ý quảng cáo TPCN có tác dụng điều trị bệnh được đánh giá thuộc mức nghiêm trọng và cần xử lý nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định: Tổ chức, cá nhân không được phép quảng cáo sản phẩm sai so với tác dụng thực tế. Đối với cá nhân quảng cáo sai sự thật và ở mức nghiêm trọng có thể xử lý hình sự.

Theo các chuyên gia pháp lý, trong trường hợp y, bác sĩ bị mạo danh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, công an xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, những người bị mạo danh có thể khởi kiện người vi phạm ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án ra quyết định buộc họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Sản phẩm Shami Xoan có nhiều dấu hiệu quảng cáo trái quy định của pháp luật cần bị xử lý nghiêm 

Để “dẹp loạn” quảng cáo TPCN, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, cơ quan quản lý sẽ xử phạt khung cao nhất, thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm; thanh, kiểm tra với tần suất lớn nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng. “Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo TPCN nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Và trong khi thị trường TPCN vẫn “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình”, ông Phong nói.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang