TP.HCM: Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu khởi sắc trở lại

author 06:42 08/06/2020

(VietQ.vn) - Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 của TP. Hồ Chí Minh tăng 7,9% so với tháng 4/2020, dù vẫn giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Điều này cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2020 của TP.Hồ Chí Minh đã cải thiện và khởi sắc hơn so với tháng trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước do tình hình dịch COVID-19 chưa được khống chế tại nhiều quốc gia đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Còn tính chung 5 tháng đầu năm 2020, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố giảm 7,2% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số IIP 5 tháng đầu năm 2020 giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng hơn 4,5 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp.

Cũng theo đại diện Sở Công thương Thành phố, mức tăng trưởng được ghi nhận tốt nhất tập trung một số ngành như chế biến lương thực, thực phẩm, hóa dược, điện, điện tử. Cụ thể, ngành chế biến lương thực, thực phẩm ước tăng 0,89%.

Đây là điểm sáng của ngành công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2020 khi các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm bắt đầu gia tăng sản lượng phục vụ thị trường đang có xu hướng phục hồi. Các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu khá nhờ nhu cầu và sức mua tăng thị trường nội địa trong mùa dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp của thành phố như Công ty Vinh Phát (mặt hàng gạo), Vissan (thực phẩm chế biến), Vifon (thực phẩm ăn liền)… đã tiến hành điều chỉnh chiến lược kinh doanh, dồn sức cho thị trường trong nước, thay vì xuất khẩu như trước. Hiện việc tăng tốc sản xuất, tăng doanh thu trong thời điểm hậu dịch bệnh cũng góp phần quan trọng vào việc hạn chế đà suy giảm của ngành công nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh nói chung.

Ở lĩnh vực hóa dược, trong 5 tháng đầu năm cũng ước tăng 8,37%. Trong đó, nhóm sản phẩm thuốc, hóa dược, dược liệu và nhóm sản phẩm hóa chất có mức tăng rất cao, lần lượt là 19,37% và 23,16%. Nguyên nhân là do nhu cầu về sản phẩm tẩy rửa vệ sinh như xà phòng, nước tẩy rửa, nước rửa tay... gia tăng để phòng chống dịch COVID-19.

Riêng nhóm ngành điện, điện tử, tuy vẫn giữ đà tăng trưởng là 11,83% nhưng thấp hơn so với cùng kỳ tăng 29,14%. Ngành điện tử có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành công nghiệp trọng điểm chủ yếu do đơn hàng sản xuất nhiều.

TP.HCM: Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu TPHCM khởi sắc trở lại
 Xuất khẩu hàng hóa tại TP.HCM tăng 10% so với tháng trước.

Trong tháng 5/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 3.384,2 triệu USD, tăng 10% so tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 16.962,0 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, trong tháng này chỉ có một số mặt hàng xuất khẩu duy trì mức tăng so với tháng trước như gạo tăng 47,7%; dầu thô tăng 30,6%; cao su tăng 8,4%; hàng thủy sản tăng 2,4%... Còn hầu hết mặt hàng xuất khẩu trong tháng 5/2020 đều giảm so với tháng trước, do nhiều đối tác thương mại lớn chưa kiểm soát được đại dịch dẫn đến trình trạng giãn, hoãn, hủy các đơn hàng.

Về thị trường thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh và kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 3,971 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 25,7% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp theo, có thể kể đến những thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Đối với những thị trường mà Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA), giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 nhìn chung có xu hướng giảm. Đơn cử, xuất khẩu sang thị trường châu Âu có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhưng trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 1.847,3 triệu USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố.

Theo doanh nghiệp trong khu công nghệ cao, bắt đầu từ cuối tháng 4/2020, đa số đơn vị sản xuất đều tiếp tục thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, ổn định trạng thái bình thường mới cho người lao động. Chính vì vậy, trong tháng 5/2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của khu công nghệ cao đạt 1.609,9 triệu USD, tăng 5,38% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 1.526,4 triệu USD, tăng 10,7% và giá trị nhập khẩu đạt 1.107,5 triệu USD, giảm 28,59%.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang