TP.HCM: Vì sao sức mua tại chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm sút?

author 08:50 24/03/2023

(VietQ.vn) - Trước thông tin sức mua tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm sâu trong những tuần qua, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở Công Thương TP.HCM Lê Đình Hiếu đã đưa ra một số lý do.

Theo đó, việc giao thương giữa các nước hiện gặp nhiều khó khăn do tình hình xung đột quân sự, khủng khoảng tài chính. Điều này làm cho đơn hàng của các doanh nghiệp có phần suy giảm. 

Riêng tại Việt Nam, sự thay đổi trong các chính sách điều hành tài chính, khiến lãi suất vay ngân hàng tăng khá cao, đặc biệt là ở các khoản vay tiêu dùng, tín chấp. Với những yếu tố trên, người dân trong nước có xu hướng cắt giảm chi tiêu, ưu tiên cho những sản phẩm tiêu dùng cơ bản, thiết yếu.

TP.HCM: Vì sao sức mua tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm sút?

 Đại diện Sở Công Thương phân tích tình hình giá cả thị trường tại TP.HCM.

Theo đại diện Sở Công Thương, do người dân đã dồn sức cho kì mua sắm dịp Tết Nguyên Đán nên khoảng thời gian này là thấp điểm tiêu dùng của cả nước và TP.HCM. Ngoài ra, sự gia tăng của xu hướng mua hàng trực tuyến cũng là nguyên nhân khiến người dân mua sắm tại chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm.

Một số mặt hàng tăng giá cũng là nguyên nhân dẫn đến sức mua sụt giảm. Theo Tổng cục Thống kê, nhóm giáo dục tháng 02/2023 tăng cao nhất với 10,4% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, đồng thời vào năm học 2022-2023 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,88% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,74% do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá tour, khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,29%, chủ yếu do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 5,71%; thực phẩm tăng 3,84%; lương thực tăng 3,64%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 02/2023 tăng 3,85% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán, giá nguyên liệu sản xuất đồ uống, chi phí vận chuyển tăng.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng Hai tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,75%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,65%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,63%.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang