Trà hoa cúc và những lợi ích sức khỏe không thể bỏ qua

author 06:00 07/04/2022

(VietQ.vn) - Ngày càng nhiều người lựa chọn các loại trà thảo mộc để tăng cường sức khỏe. Trong số đó, trà hoa cúc là loại trà rất được lòng người dùng bởi nhiều tác dụng tốt như thanh nhiệt, giải độc, giúp ngủ ngon, giảm đau đầu, mệt mỏi,...

Những năm gần đây, nhiều người có xu hướng chuyển sang dùng các loại trà thảo mộc bởi tính an toàn cùng những lợi ích sức khỏe mà loại trà này đem lại. Khác với các loại trà thông dụng khác như trà đen, trà xanh, trà ô long đều có nguồn gốc từ chè, thành phần của trà thảo mộc bao gồm các loại lá, hoa, quả, vỏ và rễ của nhiều loài cây khác. 

Các nguyên liệu này sau khi phơi khô sẽ được dùng như một loại trà riêng biệt hoặc kết hợp với nhau để tạo ra những hương vị đặc trưng. Các thành phần có trong trà thảo mộc chứa các chất có lợi cho người dùng nên việc sử dụng loại trà này có nhiều tác dụng tích cực với sức khỏe. Ngoài ra, do không thuộc họ cây trà nên trà thảo mộc không chứa chất caffeine tự nhiên, phù hợp cho những người dùng nhạy cảm với chất này. 

Nhìn chung, trà thảo mộc có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, có thể kể đến như: ngăn ngừa một số bệnh ung thư; giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các biến chứng; ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý thoái hóa thần kinh; có khả năng hỗ trợ giảm cân; bảo vệ gan, giúp thanh nhiệt giải độc; cải thiện hệ miễn dịch; hạ sốt, giảm ho và đau họng; tác dụng an thần, giảm căng thẳng,....

Trong số các loại trà thảo mộc thì trà hoa cúc là loại trà ngày càng trở nên thân thuộc với nhiều người bởi mùi thơm đặc trưng, có vị ngọt, hơi đắng với thành phần chính là hoa cúc khô. Trà hoa cúc còn có nồng độ dược tính cao, tốt cho sức khỏe. Các chất flavonoid, sesquiterphe, vitamin và khoáng chất có trong thành phần của trà hoa cúc giúp kháng viêm, an thần, hạ huyết áp, làm ổn định nhịp tim, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp giải được độc tố trong cơ thể, làm mát gan… và nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Không chỉ vậy, trong trà hoa cúc cũng chứa nhiều vitamin A, B6, B9, C cùng một số khoáng chất như sắt, đồng, mangan, kali, canxi… - tất cả đều là những hợp chất tốt cho cơ thể khi được hấp thụ.

Một số tác dụng của trà hoa cúc

Thanh nhiệt, giải độc: Do có tính hơi hàn nên trà hoa cúc giúp giảm nhiệt cơ thể khi bị cảm sốt, mắc phong nhiệt hay có những cơn bốc hỏa, bốc nóng không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, trong những chứng dị ứng mẩn đỏ, nổi phát ban, mụn nhọt, ghẻ ngứa thì trà cũng có tác dụng điều trị rất tốt, làm bay các ban đỏ, hết viêm ngứa.

Giúp an thần, trị mất ngủ hiệu quả: Với những ai đang gặp phải chứng mất ngủ thì trà hoa cúc là thức uống rất tốt giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tính chất dịu nhẹ và hương thơm dễ chịu của cúc hoa giúp giảm căng thẳng hệ thần kinh, giảm lo lắng, cân bằng lại tinh thần nên giúp cải thiện giấc ngủ, giúp ngủ ngon, sâu giấc hơn.

Một số chứng đau: do có tính chống co thắt cơ nên trà hoa cúc giúp thư giãn làm dịu cơ, cải thiện tốt các chứng đau nhức đầu, đau bụng kinh và đau dạ dày,...

 Trà hoa cúc có giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ảnh minh họa. 

Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, chứng bệnh tăng mỡ máu:  Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra công dụng của hoạt chất Flavones - chất chống oxy hóa trong hoa cúc có tác dụng làm giảm huyết áp, giảm hình thành Cholesterol. Qua đó giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, mỡ máu, rất hiệu quả trong điều trị cơn đau thắt ngực, ngăn ngừa thiếu máu, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch nhờ vào việc kích thích tế bào, tăng lưu lượng máu và gián tiếp giúp chữa lành các mao mạch, hạn chế việc tăng huyết áp và lượng cholesterol hiệu quả. 

Ngăn ngừa ung thư: Theo kết quả nghiên cứu từ Hiệp Hội Tim Mạch Mỹ (AHA), trong một số trường hợp cụ thể, việc uống trà hoa cúc thậm chí còn giúp kiểm soát được lượng đường trong máu cũng như bảo vệ các tế bào, chống lại ung thư nhờ vào lượng chất apigenin dồi dào -  giúp ngăn ngừa sự hình thành và hạn chế sự phát triển lan rộng của tế bào ung thư. 

Hỗ trợ ngăn ngừa lão hóa: Trà hoa cúc có lẽ là thức uống rất được lòng phái nữ bởi có tác dụng cải thiện làn da do chứa chất Flavones – một trong những chất chống oxy hóa, có tác dụng làm giảm và làm chậm sự hình thành các gốc tự do. Qua đó giúp làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể và nhất là lão hóa da. Việc sử dụng trà hoa cúc thường xuyên, từ 4 – 5 cốc/ tuần sẽ giúp cơ thể được thanh lọc, hạn chế mọc mụn, giúp làn da trở nên láng mịn, hồng hào một cách tự nhiên.

Đặc biệt, uống trà hoa cúc cũng làm tăng cường hệ thống miễn dịch cũng như chống lại vi khuẩn. Theo một số chuyên gia sức khỏe, sử dụng trà hoa cúc cũng giúp hạn chế các hiện tượng như chóng mặt, nhức đầu, đau mắt… Còn đối với những người làm văn phòng, thường xuyên bị căng thẳng do áp lực công việc, uống trà hoa cúc cũng sẽ giúp cho tinh thần thư giãn, giảm stress.

Uống trà hoa cúc đúng cách

Thời điểm uống trà hoa cúc thích hợp nhất là 30 phút sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ 30 phút.  Ngoài ra có thể uống trong những trường hợp sau khi ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, ăn nhiều đồ mặn và sau khi tập luyện thể thao mệt mỏi.

Cách sử dụng trà hoa cúc cũng khá đơn giản, nên ưu tiên sử dụng loại trà hoa cúc khô, thả từ 3 – 5 bông hoa vào trong nước, đổ nước sôi vào hãm khoảng 3 đến 4 phút trước khi thưởng thức. Có thể pha trà hoa cúc cùng 1 số vị giúp tăng mùi vị thêm thơm ngon như: mật ong, kỷ tử, bạc hà,... Nên cân bằng giữa số lượng hoa cúc khô sử dụng để hãm trà và lượng nước sử dụng trong ngày. Tỉ lệ phù hợp đó là dùng 30g hoa cúc pha với 2 lít nước để dùng trong ngày.

Mặc dù trà hoa cúc có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe thế nhưng không nên quá lạm dụng. Đặc biệt, cần tránh sử dụng trà hoa cúc chung với các loại thuốc làm đông máu vì trong hoa cúc có chứa chamomile – một loại hợp chất làm loãng máu. Ngoài ra cũng cần lưu ý trà hoa cúc sẽ không thích hợp sử dụng đối với những người bị dị ứng phấn hoa, lá cây,… 

Chỉ nên uống tối đa 1 cốc/ ngày, hạn chế uống quá nhiều sẽ bị phản tác dụng gây buồn nôn, sưng họng, khó thở hay tệ hơn là sốc phản vệ. Phụ nữ đang mang thai, người có bệnh lý mãn tính đang sử dụng thuốc chống đông, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tinh thần nặng,... cần chú ý tham khảo kỹ ý kiến của chuyên gia, bác sĩ trước khi sử dụng. 

Ngọc Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang