Trách nhiệm xử lý rác thải điện tử và rác nhựa thuộc về ngành nào?

author 15:19 07/06/2024

(VietQ.vn) - Trước thực trạng xả rác thải điện tử và rác nhựa gia tăng mạnh, các đại biểu Quốc hội cho rằng chưa thấy sự liên kết giữa các ngành để xử lý triệt để vấn đề này.

Cụ thể, qua ý kiến trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ băn khoăn về vấn đề xả rác thải điện tử và rác nhựa. Ông Nghĩa cho biết, chưa thấy sự liên kết giữa hai ngành Tài nguyên và Môi trường với ngành Công Thương để xử lý rác điện tử và rác nhựa. Bởi rác điện tử những năm gần đây gia tăng rất mạnh và xử lý rác điện tử rất khác với xử lý rác hữu cơ. Nếu hai ngành này không liên kết phối hợp với nhau thì sẽ không giải quyết được.

“Ví dụ khi chúng ta phát triển xe điện, từ đó dẫn đến rác thải là pin điện. Chúng ta đẩy mạnh năng lượng tái tạo là năng lượng mặt trời, dẫn đến rác thải pin mặt trời thì cách xử lý như thế nào? Khi đẩy mạnh số hóa, đẩy mạnh công nghệ thì rác điện tử từ hàng chục triệu người tiêu dùng đã chiếm số lượng rất lớn, nhưng tôi chưa thấy sự phối hợp xử lý giữa hai ngành này. Điều đó sẽ cản trở sự phát triển bền vững của chúng ta trong tương lai,” đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng.

Ảnh minh họa

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vấn đề xử lý môi trường trong ngành công thương nhất là vấn đề rác trong những ngành công nghiệp mới nổi như năng lượng mặt trời lâu nay luôn được quan tâm. Điện gió, năng lượng mặt trời là năng lượng sạch nhưng sau chu kỳ khai thác, những linh kiện hết hạn sử dụng này sẽ đẩy ra môi trường có thể gây ô nhiễm rất lớn. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh không riêng hai ngành công thương và tài nguyên môi trường, các bộ ngành khác lâu nay luôn có sự phối hợp. Trên thực tế, mọi chính sách mà chính phủ ban hành đều phải có sự gắn kết giữa các ngành, các cấp. Một mình không bao giờ có thể làm được.

Một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh nếu đưa chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường vào nội dung giám sát tối cao năm 2025, vấn đề rác thải sẽ sớm được giải quyết hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, trong luật quy định rõ là cấm một số loại rác thải nhựa không phân hủy. Bên cạnh đó, luật cũng đề ra trách nhiệm của bên thứ ba là các nhà đầu tư kinh doanh thương mại phải chịu mở rộng trách nhiệm liên quan đến thu gom và xử lý đến cùng. Thêm vào đó, luật cũng quy định đối với rác thải điện tử hiện nay sẽ phải áp dụng đúng như trường hợp cần mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà đầu tư, tức là họ phải có trách nhiệm đến cùng, phải thu gom các sản phẩm hết hạn sử dụng và xử lý các chất thải.

“Trong rác thải điện tử có đến 80% là cần phải tái chế và sử dụng lại. Bởi đó là những vật liệu quý hiếm, những vật liệu có giá trị nên có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi cần công nghệ cao và vấn đề này nằm trong chính sách phát triển liên quan đến công nghệ điện tử, công nghệ mới,” Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết.

 Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang