Trẻ nhỏ bị liệt mặt do nằm quạt thốc thẳng vào sau gáy, cách sử dụng quạt điện an toàn

author 06:31 19/08/2022

(VietQ.vn) - Một bé trai tại TP.HCM mới đây đã bị méo miệng sang bên trái do nằm quạt thổi vào đầu gáy. Đây là trường hợp điển hình liệt mặt do nhiễm phong hàn.

Trẻ nhỏ bị liệt dây thần kinh số VII do nằm quạt lâu

Thông tin về ca bệnh nhi trên, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Cơ sở 3, cho biết, người nhà đưa bé nhập viện hai tuần trước. Sau điều trị tích cực bằng châm cứu, xoa bóp, hiện bé đã ổn, miệng hết méo lệch và được xuất viện.

Theo bác sĩ Vũ, bệnh liệt VII ngoại biên hay liệt mặt nguyên phát, là liệt ngoại biên toàn bộ nửa mặt. Y học cổ truyền mô tả bệnh liệt mặt ngoại biên với những bệnh danh "khẩu nhãn oa tà", "trúng phong, "nuy chứng".

Em bé này là một ca điển hình liệt mặt do nhiễm phong hàn. Bác sĩ giải thích, lúc mắc bệnh cơ thể bé đang suy yếu, cùng lúc thời tiết TP HCM thất thường, đêm hơi lạnh, lại bị quạt thổi thẳng vào vùng trọng yếu (mặt đầu gáy) thời gian dài làm dây thần kinh số 7 nhiễm lạnh. Đoạn dây thần kinh số 7 nằm trong ống xương đá, vốn dĩ đã bị lạnh vì không có cơ che phủ dây thần kinh. Khi gặp gió lạnh đột ngột từ bên ngoài xâm nhập vào, dây số 7 càng nhanh bị nhiễm lạnh thêm. Lúc này, mạch máu bị co thắt lại dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm làm cho dây thần kinh bị phù nề, chèn ép và dẫn đến liệt, biểu hiện là trẻ cảm lạnh, chảy nước mũi, méo miệng. Trong một số trường hợp, bệnh này được bác sĩ giải thích là do nhiễm siêu vi.

 Trẻ nhỏ dễ bị liệt mặt nếu nằm quạt thốc thẳng vào sau gáy quá lâu. Ảnh: VnExpress

Biểu hiện bệnh đặc trưng là khởi phát đột ngột, sau một đêm ngủ dậy thấy liệt toàn bộ cơ mặt một bên trong vòng 24-48 giờ. Mặt bệnh nhân mất cân xứng, các cơ mặt bị kéo về bên lành, miệng méo, nhân trung và nếp nhăn vùng trán, rãnh mũi - má - mắt lệch. Ở trạng thái động, mắt người bệnh nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên. Bệnh nhân gặp khó khăn khi nhăn trán, nhíu mày, nhe răng, trề môi, phồng má, thổi sáo... Các triệu chứng không xuất hiện cùng lúc trên người bệnh, mà nặng nhẹ tùy từng người.

Đông y nhận định có hai nguyên nhân chính, trong đó chủ yếu là do cơ thể bị nhiễm lạnh (phong hàn) đột ngột, trong thời gian dài, hoặc phong nhiệt (khí nóng) xâm nhập vào vùng đầu mặt. Nguyên nhân thứ hai là do chấn thương ở vùng đầu mặt, khiến huyết bị tắc lại, gây chứng nuy (yếu liệt), có thể kèm theo tê và đau.

Bệnh liệt mặt ngoại biên có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Do đó, bác sĩ Vũ khuyến cáo để phòng bệnh, khi dùng quạt, điều hòa không để phả gió và hơi lạnh trực tiếp vào vùng đầu mặt cổ gáy. Đồng thời, khi thấy các dấu hiệu liệt mặt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nếu không điều trị hoặc tự điều trị sai cách, bệnh có thể tái phát nhiều lần, hoặc chuyển sang liệt cứng, ảnh hưởng về mặt cảm xúc, thẩm mỹ như mặt mất cân đối, miệng méo, mắt nhắm không kín, co giật nửa mặt, viêm loét giác mạc...

Việc dùng quạt điện lâu không chỉ liệt mặt mà còn gây ra nhiều tác hại khác. Đường hô hấp của trẻ em thường rất yếu so với người lớn. Nếu để quạt gần chỗ bé nằm, chỗ chơi với mức độ gió mạnh nhất hay để quạt đứng một chỗ cho luồn gió trực tiếp thổi vào người bé thì việc gây bệnh đường hô hấp như ho, đau họng,... rất dễ xảy ra.

Những quạt dùng lâu ngày thường hay bám bụi ở cánh và lồng quạt, khi quạt quay thì trẻ nhỏ sẽ bị hít bụi và vi khuẩn, gây nên triệu chứng hắc xì, sổ mũi.

Trẻ em còn nhỏ thường hiếu kì, năng động và rất tò mò. Khi để quạt ở tầm với của trẻ, hay có khi đặt trên giường, việc làm này rất dễ gây tai nạn cho trẻ như đứt tay hay nặng là gãy tay do trẻ đưa ngón tay vào cánh quạt lúc quay. Trường hợp xấu sẽ xảy ra giật điện khi trẻ đụng vào dây điện hở.

Cách sử quạt điện an toàn cho trẻ nhỏ

Hạn chế gió thổi trực tiếp vào trẻ trong thời gian dài: Để hạn chế gió quạt gây ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ, có thể sử dụng tấm lưới chắn để giảm sức gió. Nếu dùng quạt khi trẻ ngủ nên đắp tấm chăn hoặc khăn mỏng giúp trẻ giữ ấm cơ thể.

Đối với trẻ em bị suy nhược cơ thể nên hạn chế dùng quạt điện, tốt nhất là dùng quạt treo tường, quạt trần và có thể để quạt thổi lệch sang phía khác, tránh thổi thẳng vào người bé.

Khi trẻ ngủ thì cần bật chế độ hẹn giờ cho quạt, như vậy trẻ sẽ vừa ngủ ngon giấc mà vẫn được giữ an toàn tuyệt đối, hạn chế tình trạng bố mẹ quên không tắt quạt để bé nằm quạt quá lâu.

Để bé nằm cùng hướng thổi của quạt: Trong khi ngủ, mẹ hãy cho bé nằm cùng hướng thổi của quạt, hướng ra cửa, không để gió thổi thẳng vào đầu, mặt hay người của bé vì sẽ khiến bé cảm thấy khó hở khi về đêm. Nếu nhà bạn có cửa sổ, thì hãy để quạt hướng ra ngoài để gió có thể lưu thông tốt, không gian trong phòng khô thoáng hơn. Ngoài ra, phụ huynh tuyệt đối không nên để quạt thổi một chỗ cố định trên người bé mà phải để ở chế độ xoay nhằm đảm bảo an toàn cho bé khi ngủ.

Điều chỉnh tốc độ vừa phải: Nhiều người khi sử dụng quạt thường có thói quen bật số cao để làm mát nhanh chóng, nhưng đó làm một sai lầm khá lớn, nhất là đối với các bé nhỏ. Bố mẹ chỉ nên điều chỉnh quạt ở tốc độ vừa phải, không nên bật số cao. Tốt nhất là chỉ nên để tốc độ gió ở mức khoảng 0.2 - 0.5m/s, tối đa không quá 3m/s. Nếu phòng thông thoáng, có cửa sổ thì chỉ nên để quạt số nhẹ. Tốt nhất là chỉ nên để tốc độ gió ở mức khoảng 0.2 - 0.5m/s

Không dùng quạt khi trẻ ra mồ hôi nhiều: Khi bé ra nhiều mồ hôi sau khi vui chơi, bố mẹ tuyệt đối không được bật quạt thổi trực tiếp vào người con mình, nhất là vào ngày hè nóng nực. Lúc này, mẹ cần lấy khăn khô lau sạch mồ hôi cho con rồi cho con ngồi nghỉ ngơi khoảng 10 phút, tiếp theo hãy để quạt số nhẹ và ngồi xa.

Vệ sinh quạt thường xuyên: Khi thấy quạt bị bám ít bụi thì bạn nên vệ sinh, lau sạch bụi bẩn, nhằm hạn chế vi khuẩn, bụi bẩn gây bệnh về đường hô hấp của trẻ em. Thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra quạt điện, tra dầu, nhất là quạt bàn, quạt cây.

Để xa tầm với của trẻ: Phải đặt quạt một khoảng xa so với chỗ trẻ đang chơi hoặc đang ngủ và canh chừng trẻ thường xuyên, tránh tình trạng trẻ tò mò cho tay vào cánh quạt lúc quạt đang hoạt động.

Khi chọn mua quạt, đặc biệt là quạt để trên giường ngủ cho bé nên chọn loại lồng quạt đan khít, tốt nhất là nên chọn loại quạt hộp bởi có thêm 1 lớp lồng xoay bảo vệ bên ngoài, an toàn tuyệt đối.

Để xa tầm với của trẻ: Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của các trẻ nhỏ, bố mẹ chỉ nên sử dụng quạt điện, bật ở chế độ nhẹ và để quạt xoay đều. Phụ huynh không nên sử dụng quạt hơi nước hay quạt phun sương cho trẻ em, nhất là đối với các bé sơ sinh.

Gia đình có sử dụng quạt phun sương, quạt hơi nước thì nên để quạt xa các bé và quạt hoạt động ở chế độ nhỏ nhất, vì hơi nước và làn sương rất dễ làm bé bị cảm cúm, sốt, ho,... đồng thời là điều kiện để vi khuẩn, ẩm mốc cũng phát triển, nhất là vào những ngày mưa, ẩm ướt.

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4264 - 86- Quạt điện sinh hoạt

Tiêu chuẩn này qui định các yêu cầu an toàn và kết quả của các loại quạt điện sinh hoạt và phương pháp thử cho các loại quạt điện sinh hoạt (Quạt bàn, quạt đứng, quạt trần, v.v...) dùng điện xoay chiều và một chiều với điện áp danh định không vượt quá 250V.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các loại quạt điện dùng trong công nghiệp, trong các phương tiện giao thông và trong các điều kiện đặc biệt... Một số thuật ngữ và định nghĩa cho trong phụ lục.

Quạt điện sinh hoạt cần phải được thiết kế chế tạo đảm bảo làm việc chắc chắn, an toàn, không gây nên nguy hiểm cho người sử dụng và môi trường xung quanh.

Quạt điện sinh hoạt cần phải thỏa mãn các yêu cầu của tiêu chuẩn này và TCVN 3144-79.

Quạt bàn, quạt đứng và hộp đổi tốc quạt trần nên được chế tạo với cấp bảo vệ chống điện giật là cấp bảo vệ II.

Kết cấu của quạt phải đảm bảo bảo vệ chống chạm ngẫu nhiên vào các bộ phận mang điện.

Quạt điện chế tạo theo cấp bảo vệ II, ngoài yêu cầu trên còn phải được bảo vệ chống chạm ngẫu nhiên vào các bộ phận kim loại được cách ly với bộ phận mang điện chỉ bằng cách điện chính.

Sợi êmay, sợi bông, vải, màng ôxit phủ lên các bộ phận kim loại không được coi là những lớp bảo vệ có đủ khả năng để tránh chạm ngẫu nhiên vào các bộ phận mang điện.

Ở các quạt điện cấp bảo vệ II, không được nối tụ điện vào các chi tiết bằng kim loại mà người có thể chạm tới. Nếu vỏ tụ điện bằng kim loại thì phải có cách điện phụ để cách ly với các chi tiết kim loại mà người có thể chạm tới.

Quạt điện cấp bảo vệ II phải được thiết kế sao cho khoảng cách đường rò và khe hở không khí trên toàn bộ các phần có cách điện phụ và cách điện tăng cường, trong quá trình làm việc không thể bị giảm xuống dưới trị số nhỏ nhất qui định ở điều 1.5.

Các nút, phím ấn, cần gạt, tay xách... để đóng cắt điện, điều chỉnh tốc độ, điều chỉnh hướng gió, vị trí... không được phép mang điện khi hỏng cách điện ở bộ phận mang điện. Nếu các chi tiết này làm bằng kim loại và có thể bị mang điện khi cách điện của bộ phận mang điện hỏng, thì chúng phải được bọc bằng vật liệu cách điện.

Gỗ, vải, bông, giấy thông thường... hoặc các loại vật liệu thớ sợi tương tự không được sử dụng làm vật liệu cách điện khi chưa được ngâm, tẩm.

Cách điện tăng cường chỉ được sử dụng ở những chỗ đưa đẩy vào, ra, công tắc, phím bấm, bộ điều khiển tốc độ hướng gió....

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang