Trẻ sơ sinh viêm đường hô hấp trên - Dễ điều trị nhưng dễ tái phát

author 06:12 14/01/2018

(VietQ.vn) - Trời nồm, lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc phát triển, dễ gây viêm đường hô hấp trên cho trẻ nhỏ.

Theo các bác sỹ khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương), đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản, là cơ quan đầu trên đường hô hấp tiếp xúc trực tiếp với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp trên. Ban đầu là cảm lạnh sau đó có thể là viêm mũi họng, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai giữa….

Trời nồm, lạnh dễ gây viêm đường hô hấp trên cho trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Viêm đường hô hấp trên là bệnh khá phổ biến, thường gặp, dễ điều trị nhưng dễ tái phát, vì vậy các bậc phụ huynh cần có kiến thức đúng đắn để chăm sóc con. Đối với trẻ sơ sinh triệu chứng của viêm đường hô hấp trên chủ yếu là sốt nhẹ, ho, chảy mũi hoặc không chảy mũi, khò khè.

Bệnh này do virus gây chủ yếu là điều trị triệu chứng, nếu đã xác định rõ được nguyên nhân do vi khuẩn…có thể dùng kháng sinh, kháng viêm…Tuy nhiên cần cân nhắc sử dụng kháng sinh và phải theo chỉ định của bác sĩ

Nếu trẻ chảy nhiều nước mũi, có thể quánh dính dẫn đến nghẹt mũi, tắc mũi (do tăng tiết nhiều ở đường hô hấp trên) bố mẹ cần làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng cách dùng khăn mềm, khô (tốt nhất dùng khăn giấy mềm) để không gây kích thích nhiều ở mũi dẫn đến đau mũi, đỏ mũi do lau quá nhiều lần. Dùng nước muối 9‰ nhỏ vào từng bên mũi cho trẻ để làm loãng dịch mũi, sau đó loại bỏ dịch mũi bằng dụng cụ hút mũi, dùng tăm bông sạch, khô ngoáy mũi lại. Làm thông mũi cho trẻ trước khi ăn hoăc bú nếu dịch nhiều, quánh, dính để tránh nôn.

Vừa bắt giữ lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc ở Ninh Thuận(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận vừa bắt quả tang lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Bố mẹ cần tránh lạm dụng nước muối quá nhiều để hút mũi quá nhiều vì sẽ gây teo niêm mạc mũi của trẻ, tránh nhỏ nước ép tỏi cho trẻ vì tỏi có vị cay dễ gây bỏng niêm mạc của trẻ.

Trong trường hợp trẻ nôn có thể do đờm đặc hoặc do bệnh đã nặng hơn, cần cho trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên, làm sạch chất nôn ở miệng, họng, mũi trẻ, lau khô chất nôn trên người trẻ bằng khăn mềm và nước ấm, thay quần áo cho trẻ. Nếu trẻ nôn nhiều các mẹ không nên tự cho trẻ uống thuốc chống nôn nếu chưa có chỉ định của bác sỹ.

Đối với viêm đường hô hấp trên biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu, vì đây là một bệnh lây nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tránh các yếu tố có hại cho đường hô hấp như: bụi, hơi nóng, khí nóng, khí độc...

Giữ ấm cơ thể khi đi đường, giữ ấm cổ khi ngủ vào mùa đông là những biện pháp tuy đơn giản nhưng lại giúp bố mẹ phòng bệnh cho trẻ rất hiệu quả. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, duy trì môi trường sống thông thoáng, tránh ẩm thấp và nơi đông người.

Minh Châu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang