Triển khai Đề án 996: Thái Nguyên lựa chọn được 3 doanh nghiệp tiêu biểu

author 13:36 11/08/2022

(VietQ.vn) - Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án 996, tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn được 3 doanh nghiệp điển hình.

Triển khai Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động đo lường trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông ở Trung ương và địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và xã hội về hoạt động đo lường

Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường với việc xây dựng phần mềm quản lý đo lường tỉnh Thái Nguyên nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động cung cấp dịch vụ về đo lường, hoạt động quản lý phương tiện đo lường của các doanh nghiệp; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Triển khai thực hiện Đề án 996 tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thanh Tâm 

Theo đó, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức khảo sát và lựa chọn được 03 đơn vị (Nhà máy Cán thép Lưu Xá - Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên; Công ty Xăng dầu Bắc Thái; Hợp tác xã chè Hảo Đạt) để hỗ trợ xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ KH&CN. Đây cũng là 03 đơn vị đầu tiên trong cả nước đã ban hành được Chương trình đảm bảo đo lường.

Thành viên Tổ chuyên gia tư vấn Đề án 996 tại tỉnh Thái Nguyên đã thông tin một số nội dung cụ thể: Tình hình triển khai Đề án 996 trong cả nước; các nội dung hỗ trợ triển khai Chương trình đảm bảo đo lường năm 2022 cho 03 đơn vị của tỉnh Thái Nguyên; các nội dung xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên.

Thông qua việc triển khai này, đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị tập trung một số nội dung như: Cần xây dựng cơ chế chính sách cho hoạt động đo lường để hỗ trợ trang bị thêm các thiết bị đo lường cho các doanh nghiệp.

Thường xuyên cử chuyên gia xuống đơn vị sản xuất kinh doanh hướng dẫn công tác đo lường; tiếp tục giám sát chặt chẽ công tác đo lường để đảm bảo sự công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự.

Về công tác đào tạo cần có kế hoạch sớm để các doanh nghiệp bố trí nhân sự tham gia nhằm lĩnh hội được các kiến thức đo lường chuẩn để áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng quy trình hàng hóa nhập kho, tồn hàng; quy định định mức kinh tế kỹ thuật quy chuẩn về đo lường tại địa phương để áp dụng trong thực tiễn…

Đề án 996 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường được kỳ vọng sẽ đưa hoạt động đo lường lên một tầm cao mới, khẳng định vị trí và trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mục tiêu của đề án nhằm phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho hoạt động đo lường; xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực do lường,...

Để thực hiện đề án, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 82/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện triển khai Đề án 996; quyết định phê duyệt danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường; quyết định ban hành tiêu chuẩn quốc gia Phòng thí nghiệm đo lường - Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang