Triển khai chương trình đảm bảo đo lường: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam

author 14:14 05/12/2023

(VietQ.vn) - Qua công tác triển khai thí điểm chương trình đảm bảo đo lường, nhóm chuyên gia của Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã giúp doanh nghiệp tìm ra và cải thiện nhiều vấn đề chung mà doanh nghiệp/tổ chức đang gặp phải và còn tồn đọng.

Ngày 17/3/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 510/QĐ-BKHCN về việc “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”. Theo đó mới làm rõ khái niệm về chương trình đảm bảo đo lường, các nội dung công việc cần thực hiện, các giải pháp và trình tự các bước thực hiện, đánh giá hiệu quả của chương trình, vv....

Tuy nhiên, văn bản này mới chỉ hướng dẫn một cách tổng quát ở dạng khung chương trình, hiện tại chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các bước và từng nội dung công việc trong phạm vi của chương trình đảm bảo đo lường. Do đó, Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (QTC) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), Bộ Khoa học và Công nghệ, bằng các nghiệp vụ và kinh nghiệm chuyên môn, đã xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo và tổ chức các khóa đào tạo cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về đảm bảo đo lường và đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp để góp phần đạt được mục tiêu của Đề án 996.

Để triển khai đề án 996, QTC đã xây dựng thuyết minh nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo và tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới hoạt động đo lường thông qua thực hiện các chương trình đảm bảo đo lường để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế". Nội dung chính bao gồm nghiên cứu, xây dựng tài liệu và chương trình đào tạo về đảm bảo đo lường cũng như đào tạo chuyên gia tư vấn về đảm bảo đo lường, thực hiện triển khai thí điểm các doanh nghiệp được chọn lọc thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam.

Các lớp đào tạo "Hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp".

Bước đầu tiên của nhiệm vụ, các chuyên gia QTC thu thập các văn bản, tài liệu quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến đảm bảo đo lường, chương trình liên quan và biên dịch các tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Từ đó xây dựng bức tranh toàn cảnh về kinh nghiệm của các nước phát triển và xu hướng quốc tế về đảm bảo đo lường, đưa ra chương trình và tài liệu đào tạo phù hợp điều kiện hiện hành về đo lường của doanh nghiệp Việt Nam. Tại bước triển khai này, nhóm chuyên gia thực hiện đã thu thập và tổng hợp 1000 trang tài liệu được dịch từ tiếng nước ngoài và xây dựng lại thành các tài liệu, giáo trình nghiên cứu, đào tạo về đảm bảo đo lường.

Sau khi đã đưa ra kế hoạch phù hợp, nhóm chuyên gia của QTC triển khai xây dựng hai chương trình đào tạo, “Hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” cho những doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nhân sự và tự thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại chính doanh nghiệp mình, và “Cán bộ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ về đo lường, thử nghiệm xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường” cho các cán bộ nhà nước thuộc lĩnh vực TCĐLCL để trở thành các chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chương trình đảm bảo đo lường. Bằng các hoạt động như thu thập thông tin, phân tích thực trạng chung về đo lường của doanh nghiệp cũng như triển khai thí điểm tư vấn, hỗ trợ đảm bảo doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp được chọn lọc, nhóm chuyên gia đã xây xựng thành công chương trình khung cho hai chương trình đào tạo này.

Kết quả của nội dung công việc này chính là sự thành công của QTC trong việc tổ chức 10 khoá đào tạo "Hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” với khoảng 300 học viên thuộc các tổ chức, doanh nghiệp đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam tham gia.

Bên cạnh đó, có trên 140 học viên hoàn thành khoá đào tạo “Cán bộ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ về đo lường, thử nghiệm xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường” và một số chuyên gia đủ điều kiện được cấp mã chuyên gia tư vấn từ Tổng cục TCĐLCL. Các khoá đào tạo đã tạo nhận thức và sự chú ý quan tâm đến từ doanh nghiệp và các cán bộ nhà nước thuộc lĩnh vực TCĐLCL.

Như đã nhắc ở phần trên, song song với việc xây dựng và triển khai các khoá đào tạo về đảm bảo đo lường, QTC cũng thực hiện thành công mô hình thí điểm về xây dựng chương trình đảm bảo đo lường tại 5 doanh nghiệp từ khắp cả nước. Bước đầu của nội dung này các chuyên gia thực hiện xây dựng mẫu phiếu khảo sát và đánh giá thực trạng về hoạt động đảm bảo đo lường của doanh nghiệp.

Tiếp đến, nhóm chuyên gia triển khai khảo sát và đánh giá 15 doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng các doanh nghiệp, tổ chức (mô hình kinh doanh nhỏ và vừa) đại diện cho 03 đối tượng nêu tại Quyết định 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Doanh nghiệp/tổ chức sản xuất, kinh doanh; Doanh nghiệp/tổ chức cung cấp dịch vụ về đo lường, thử nghiệm; Doanh nghiệp/tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp). 

Tại doanh nghiệp được khảo sát, nhóm chuyên gia xác định và đánh giá các đối tượng/quá trình của hoạt động đảm bảo đo lường, thực trạng về định mức kinh tế - kỹ thuật; số lượng và năng lực nhân sự tham gia công tác đo lường; phương pháp đo; điều kiện đo; phương tiện đo, chuẩn đo lường; cơ sở vật chất kỹ thuật; hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, bảo dưỡng, sửa chữa; chi phí; tổn thất, các hệ thống quản lý áp dụng đã được công nhận/chứng nhận...Từ đó nhóm chuyên gia chọn ra 5 doanh nghiệp thí điểm để thực hiện mô hình về chương trình đảm bảo đo lường.

Sau khi đã chọn ra các doanh nghiệp thí điểm, nhóm chuyên gia của Tổng cục và QTC triển khai tư vấn cho các doanh nghiệp được chọn phương pháp xây dựng báo cáo phân tích, đánh giá thực trạng đo lường và đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, tổ chức. Tại bước này, dưa theo những thông tin đã thu thập được từ khảo sát từ các chuyên gia, doanh nghiệp rà soát và đưa ra các thiếu xót và những điểm cần cải thiện thêm về mặt đo lường ví dụ như phương tiện đo, phép đó, các đối tượng/quá trình có thể kiểm soát được bằng việc đo đạc hay định mức kỹ thuật đang còn thiếu xót...

Từ đó nhóm chuyên gia tư vấn doanh nghiệp/tổ chức đưa ra các phương án xây dựng mới hoặc cải thiện các quy trình, định mức kỹ thuật còn thiếu xót. Sau khi doanh nghiệp/tổ chức xác định và hoàn tất xây dựng báo cáo dự kiến mục tiêu và giải pháp thực hiện chương trình đảm bảo, doanh nghiệp/tổ chức tiếp đến ước lượng dự kiến hiệu quả khi thực hiện chương trình đảm bảo đo lường.

Doanh nghiệp/Tổ chức thực hiện chương trình xây dựng và ban hành phê duyệt chương trình đảm bảo đo lường; dự kiến hiệu quả khi thực hiện chương trình đảm bảo đo lường. Cuối cùng, nhóm chuyên gia chuyển giao hoạt động xây dựng, áp dụng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường; hướng dẫn kiểm tra, giám sát và quản lý hoạt động đảm bảo đo lường tại tổ chức, doanh nghiệp.

Học viên lớp đào tạo "Cán bộ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ về đo lường, thử nghiệm xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường" đang tham gia thực hành tư vấn và chia nhóm thảo luận.

Qua công tác triển khai thí điểm chương trình đảm bảo đo lường, nhóm chuyên gia của QTC đã giúp doanh nghiệp tìm ra và cải thiện rất nhiều vấn đề chung mà doanh nghiệp/tổ chức đang gặp phải và còn tồn đọng. Ví dụ, các doanh nghiệp kinh doanh hàng đóng gói sẵn (HĐGS) đã nhận thức và bổ sung các quy trình đối với kiểm soát tem nhãn và lượng HĐGS cũng như kiểm soát, hiệu chuẩn các phượng tiện đo dùng trong đóng gói HĐGS (ví dụ như cân) để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN "Quy định về đo lường với lượng hàng đóng gói sẵn" cũng như giảm thiểu hao hụt trong quá trình in tem nhãn bao bì và đóng gói sản phẩm.

Qua sự tư vấn từ các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đặc thù tại địa phương theo phương pháp thủ công đã xác định và tiêu chuẩn hoá những định mức theo con số kỹ thuật đồng thời xây dựng phép đo phù hợp cho việc kiểm soát quá trình sản xuất hay kiểm tra chất lượng sản phẩm thay vì ước lượng qua các cảm nhận chủ quan không chính xác tới từ giác quan con người. Từ đó chất lượng sản phẩm được nâng cao và duy trì ổn định.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn cũng như xây dựng, tiêu chuẩn hoá và áp dụng các quy trình kiểm soát đáp ứng quy định theo Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN "Quy định về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu" cũng như nâng cao năng suất và hạn chế hao hụt trong quá trình kinh doanh. 

Để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp sản xuất và tổ chức/phòng thí nghiệm có hoạt động liên quan đến đo lường và có nhu cầu sử dụng dịch vụ đo lường thử nghiệm, các doanh nghiệp/tổ chức kinh doanh dịch vụ về đo lường thử nghiệm cũng được hưởng nhiều lợi ích thông qua việc tham gia chương trình đảm bảo đo lường.

Cụ thể, các doanh nghiệp/tổ chức tham gia cũng nhìn ra được mặt hạn chế và khó khăn trong quá trình kinh doanh cũng như xác định nhu cầu dịch vụ mà thị trường đang mong muốn. Từ đó các tổ chức cung cấp dịch vụ tối ưu hoá được các chi phí mua sắm thiết bị cũng như tập trung nâng cao năng lực nhân sự ở các mảng đo lường đang có nhu cầu cao. Qua đó doanh nghiệp/ tổ chức cung cấp dịch vụ thử nghiệm giảm thiểu được chi phí đầu tư ban đầu, tăng cường chất lượng dịch vụ và đáp ứng được mong đợi từ khách hàng.

Chương trình đảm bảo đo lường thực hiện bởi Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đạt được những thành tựu đáng chú ý trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, góp phần đạt mục tiêu của Đề án 996. Việc tổ chức các khoá đào tạo về chương trình đảm bảo đo lường đã tạo nhận thức cũng như sự quan tâm chú ý tới doanh nghiệp/tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Không những thế, chương trình đào tạo cũng là cơ hội liên kết, trao đổi kinh nghiệm giữa cán bộ thuộc các đơn vị liên quan tới Tiêu chuẩn - Đo lường- Chất lượng với các doanh nghiệp/tổ đó từ đó có các bên xác định được một bức tranh chung về hạ tầng chất lượng quốc gia. Chương trình này cũng đã cho ra một hàng ngũ lớn, mạnh các cán bộ tư vấn hỗ trợ thực hiện chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp/tổ chức cũng như các chuyên gia đảm bảo đo lường tại nội bộ doanh nghiệp/tổ chức.

Thông qua việc thực hiện thí điểm chương trình đảm bảo đo lường tại một số doanh nghiệp, chương trình đã cho thấy được nhiều vướng mắc tồn đọng chung của các doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp/tổ chức cũng như cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các giải pháp và phương án cải thiện năng lực sản xuất, năng lực quản lý từ đó củng cố hạ tầng chất lượng quốc gia.

Trịnh Xuân Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang