Triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại Công ty TNHH Nam Việt

author 06:40 05/05/2020

(VietQ.vn) - Trong kế hoạch phát triển dài hạn, công ty Nam Việt mở rộng quy mô sản xuất, tạo dựng thương hiệu vững chắc tại nhiều thị trường khác nhau.

Công ty TNHH Nam Việt được thành lập năm 2004 thuộc cụm công nghiệp làng nghề La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Trên thị trường, Nam Việt là thương hiệu găng tay len và găng tay bảo hộ. Với việc không ngừng cải tiến dây chuyền sản xuất, sử dụng nhiều chất liệu len khác nhau đã góp phần giúp công ty đa dạng hóa sản phẩm và thiết kế nhiều mẫu mã găng tay len thường cũng như chuyên dụng (găng tay cảm ứng được làm bằng len cao cấp với đầu găng được làm bằng sợi dẫn điện giúp cho việc thao tác trên mọi thiết bị cảm ứng) phục vụ nhiều đối tượng khách hàng trong nước cũng như xuất khẩu sang nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ. Trong kế hoạch phát triển dài hạn, công ty Nam Việt mở rộng quy mô sản xuất, tạo dựng thương hiệu vững chắc tại nhiều thị trường khác nhau.

Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu từ năm 2019 và đã triển khai rộng khắp trên 05 làng nghề ở các địa phương ở phía Bắc gồm: Làng nghề La Phù (với sản phẩm dệt kim và sản xuất, chế biến thực phẩm), Làng nghề Chăn ga gối đệm Trát Cầu (với các sản phẩm là chăn, ga, gối và đệm), Làng nghề Cơ khí Rùa (với các sản phẩm cơ khí), Làng nghề gốm sứ Bát tràng (với sản phẩm gốm, sứ) và Làng nghề Phương La (với sản phẩm là các loại khăn).

Công ty TNHH Nam Việt thuộc làng nghề La Phù được lựa chọn là một trong các doanh nghiệp để triển khai Dự án. Kế thừa truyền thống của làng nghề lâu đời cộng với tinh thần sẵn sàng học hỏi và đổi mới, việc triển khai áp dụng thành công công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại công ty có ý nghĩa quan trọng dẫn tới sự thành công của Dự án.

Dự án đã thực hiện triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại công ty theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Dự án đã tư vấn hỗ trợ công ty Nam Việt hiểu rõ và bắt đầu áp dụng Triết lý Kaizen trong các công đoạn quy trình sản xuất. Trong giai đoạn tiếp theo, Dự án đã hỗ trợ công ty dần đưa triết lý Kaizen trở thành một nét văn hoá cải tiến trong công ty từ đó góp phần gia tăng giá trị cốt lõi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty để tiến tới phát triển bền vững và chinh phục nhiều thị trường mới.

Các hoạt động cụ thể của Dự án tại công ty như sau:

Thứ nhất, nhóm triển khai Dự án đã tiến hành khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng và nhận diện các điểm hạn chế tại công ty Nam Việt để có cơ sở đề xuất các giải pháp cải tiến tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Công việc tại các công đoạn chưa tiêu chuẩn hóa cũng như chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều đã dẫn đến việc chất lượng công việc, năng suất lao động không đảm bảo và khó kiểm soát.

Ngoài ra, tại thời điểm khảo sát, doanh nghiệp chưa có cơ chế khuyến khích công nhân làm việc lâu dài, người lao động tự tiện nghỉ việc không báo trước dẫn đến việc doanh nghiệp không chủ động lên kế hoạch sản xuất cũng như đào tạo công nhân mới. Những yếu tố kể trên đã gây lãng phí thời gian, mất cân đối giữa khâu hoàn thiện và khâu dệt, lãng phí tồn kho. Nguyên nhân chủ yếu do cán bộ công nhân viên (CBCNV) tại doanh nghiệp chưa qua đào tạo về mô hình quản trị và quản lý chất lượng, chưa áp dụng các công cụ cải tiến.

Thứ hai, nhóm triển khai Dự án tư vấn chi tiết cho doanh nghiệp về việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen, cụ thể như sau:

Thiết lập hệ thống tiêu chuẩn hóa các công việc trong doanh nghiệp nhằm làm cho nguồn nhân lực làm việc chuyên nghiệp hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững;

Thiết lập hệ thống đánh giá nhân viên đa kỹ năng, nhằm có cơ sở đánh giá đúng năng lực nhân viên và qua đó doanh nghiệp trả lương đúng với cống hiến của người lao động, lấy đó làm cơ sở khuyến khích nhân viên gắn bó lâu dài với doanh nghiệp;

Thực hiện triển khai 5S tại khu vực mẫu là dệt: Triển khai các bảng khảo sát, mẫu hướng dẫn 5S; Tư vấn các vấn đề cụ thể liên quan tới hiện trường sản xuất; Tư vấn các giải pháp về quản lý lao động, tạo động lực cho người lao động, thống nhất hiển thị trực quan, các khẩu hiệu, phong trào thi đua Kaizen 5S và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Sau thời gian triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất theo tư vấn và hỗ trợ của Nhóm dự án, tại công ty Nam Việt đã thu được các kết quả như sau:

Sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về tầm quan trọng của các công cụ cải tiến Kaizen. Ban lãnh đạo cũng như toàn bộ người lao động đều nhận thức rõ được vai trò và tầm quan trọng của việc áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để tăng năng suất;

Về trực quan, mặt bằng xưởng sạch sẽ, gọn gàng, có hướng công việc cụ thể được treo tại nơi sản xuất;

Thiết lập hệ thống tiêu chuẩn hóa các công việc trong doanh nghiệp;

Hình 1: Bảng tiêu chuẩn hóa công việc

 

Hệ thống tạo động lực cho người lao động: Thưởng cho người lao động có các sáng kiến Kaizen; 100% CBCNV đều được tặng quà, thưởng vào các ngày lễ; Người lao động chuyên cần: làm việc 26 ngày/ tháng sẽ được thưởng 02 ngày công; 100% CBCNV được chăm sóc sức khỏe, ăn uống miễn phí khi tăng ca; 100% người lao động được thăm ốm khi nằm viện và hiếu hỉ theo tiêu chuẩn trong Quy chế đãi ngộ.        

Các kết quả khả quan thu được sau quá trình thực hiện Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương đã tạo góp hần để Công ty TNHH Nam Việt quy chuẩn hóa lại công việc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để từ đó cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

QUATEST 3 tư vấn hỗ trợ Công ty Cổ phần Cơ khí Công Minh thực hành Kaizen (VietQ.vn) - Kaizen là cải tiến liên tục của người Nhật, nhằm đối phó với những thách thức về môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, khó khăn về kinh tế tăng lên, sự phát triển liên tục của công nghệ và các thay đổi về văn hóa – xã hội.

ThS. Nguyễn Phương Chi – ThS. Nguyễn Thúy Quỳnh (Trường Đại học Ngoại thương) - Nguyễn Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang