Triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại Công ty TNHH Dệt kim Phú Vĩnh Hưng

author 06:42 05/06/2020

(VietQ.vn) - Sản phẩm công ty Phú Vĩnh Hưng đã nhiều lần được vinh danh tại thị trường nội địa qua hàng loạt giải thưởng uy tín như Huy chương vàng và Chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn vào năm 2009, Giải thưởng “Sao vàng đất Việt” năm 2015, Giải thưởng SWISS CREATE năm 2015...

Công ty Dệt kim Phú Vĩnh Hưng thành lập năm 2004 thuộc cụm công nghiệp làng nghề La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Mặt hàng sản xuất chủ đạo phục vụ thị trường nội địa cũng như xuất khẩu của công ty là sản phẩm bít tất. So sánh với các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường, sản phẩm Phú Vĩnh Hưng được sản xuất bằng nhiều chất liệu vải cải tiến như Mercerized Cotton, Bamboo Cotton, Cotton, Pe... trên hệ thống dây chuyền hiện đại. Điều này đã giúp công ty Phú Vĩnh Hưng đạt sản lượng sản xuất đến 10 triệu đôi tất/năm, trong đó 60% hàng hóa sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, lớp thế hệ lãnh đạo trẻ kế cận tại công ty được đào tạo bài bản về quản lý kinh doanh, có tinh thần học hỏi và áp dụng các mô hình cải tiến cũng như nâng cấp máy móc sản xuất tân tiến. Chính những yếu tố này đã thúc đẩy công ty sản xuất đa dạng mẫu mã sản phẩm với giá thành cạnh tranh.

Sản phẩm công ty Phú Vĩnh Hưng đã nhiều lần được vinh danh tại thị trường nội địa qua hàng loạt giải thưởng uy tín như Huy chương vàng và Chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn vào năm 2009, Giải thưởng “Sao vàng đất Việt” năm 2015, Giải thưởng SWISS CREATE năm 2015...

Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu từ năm 2019 và đã triển khai rộng khắp trên 05 làng nghề ở các địa phương ở phía Bắc gồm: Làng nghề La Phù (với sản phẩm dệt kim và sản xuất, chế biến thực phẩm), Làng nghề Chăn ga gối đệm Trát Cầu (với các sản phẩm là chăn, ga, gối và đệm), Làng nghề Cơ khí Rùa (với các sản phẩm cơ khí), Làng nghề gốm sứ Bát tràng (với sản phẩm gốm, sứ) và Làng nghề Phương La (với sản phẩm là các loại khăn).

Công ty TNHH Dệt kim Phú Vĩnh Hưng thuộc làng nghề La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) được lựa chọn là một trong các doanh nghiệp để triển khai Dự án. Với tinh thần sẵn sàng học hỏi và áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, việc triển khai áp dụng thành công công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại công ty Phú Vĩnh Hưng có ý nghĩa quan trọng dẫn tới sự thành công của Dự án.

Quy trình sản xuất khăn tại công ty Phú Vĩnh Hưng gồm các công đoạn chính như sau:

Dệt à Khứu – kiểm tra à Định hình à Silicon à Ghim à Bao gói à Đóng túi à Hoàn thiện đóng thùng

Dự án đã thực hiện triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại công ty Phú Vĩnh Hưng theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Dự án đã tư vấn hỗ trợ công ty hiểu rõ và bắt đầu áp dụng Triết lý Kaizen trong các công đoạn quy trình sản xuất, trước hết trong việc giảm leadtime, giảm tồn kho công đoạn, tăng năng suất, 5S khu vực hoàn thiện để đạt hiệu quả cao nhất. Trong giai đoạn tiếp theo, Dự án đã hỗ trợ công ty dần đưa triết lý Kaizen trở thành một nét văn hoá cải tiến trong công ty để từ đó phát triển lâu dài và nâng cao vị thế thương hiệu tại nhiều thị trường khác nhau.

Các hoạt động cụ thể của Dự án tại công ty như sau:

Thứ nhất, nhóm triển khai Dự án của Trường Đại học Ngoại thương tiến hành khảo sát thực trạng sản xuất tại các phân xưởng và tìm hiểu về các điểm hạn chế của công ty Phú Vĩnh Hưng để từ đó xây dựng đề xuất và kế hoạch thực hiện cải tiến nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa. Trong quá trình khảo sát hiện trường, nhóm triển khai dự án đã nhận thấy các công đoạn sản xuất chưa được xây dựng thống nhất theo chuyền (dòng chảy sản xuất) đã dẫn đến những lãng phí như thời gian chờ đợi lâu, nguyên phụ liệu không đáp ứng kịp cho công đoạn hoàn thiện, năng suất thấp.

Ngoài ra, hiện trường sản xuất tại công đoạn hoàn thiện được bố trí chưa khoa học, còn bừa bộn. Bên cạnh đó, tình trạng hàng tồn kho còn tương đồi nhiều và công ty cũng không có phương án giải quyết cụ thể vấn đề này. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tình trạng nêu trên tại công ty Phú Vĩnh Hưng là do cán bộ công nhận viên chưa được đào tạo về mô hình quản lý hiện đại, các công cụ cải tiến và kiểm soát chất lượng.

Thứ hai, nhóm triển khai Dự án tư vấn chi tiết cho công ty Phú Vĩnh Hưng về việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen, cụ thể trong việc hướng dẫn theo dõi và duy trì triển khai chuyền may mới theo 9 bước:

Nắm được tên mã hàng,

Nắm được số lượng đơn hàng,

Nắm được thời gian giao hàng,

Nắm được năng suất hàng ngày cần,

Nắm được trình tự công đoạn,

Nắm được tính C/T từng công đoạn,

Cân bằng chuyền theo năng suất hàng ngày, tính số người số máy,

Bố trí máy và người theo trình tự công đoạn đã được cân bằng,

Họp với ban giám đốc thống nhất phương án và thực hiện lập chuyền hoàn thiện, qua đó ban giám đốc hỗ trợ cung cấp nguyên phụ liệu cho khâu hoàn thiện đúng và đủ số lượng.

Bên cạnh đó, nhóm triển khai Dự án cũng tư vấn doanh nghiệp xây dựng các chính sách tạo động lực cho người lao động như sau:

Hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức cho toàn bộ người lao động hiểu và áp dụng Triết lý Kaizen;

Xây dựng chính sách thời gian lao động linh hoạt cho người lao động;

Xây dựng cơ chế khuyến khích người lao động tham gia cải tiến tăng năng suất sản xuất.

Sau thời gian triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất theo tư vấn và hỗ trợ của Nhóm dự án, doanh nghiệp đã cải tiến được hiện trường phân xưởng sản xuất, xây dựng hệ thống sản xuất theo 1 chuyền xuyên suốt (dòng chảy) để từ đó giảm thiểu tối đa lãng phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hình 1: Phân xưởng sản xuất trước khi áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen

 
 

Hình 2: Phân xưởng sản xuất sau khi áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen

 

Các kết quả khả quan thu được sau quá trình thực hiện Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương đã tạo thêm động lực để Công ty TNHH Dệt kim Phú Vĩnh Hưng tối ưu hóa chi phí sản xuất để từ đó tạo tiền đề cho việc nâng cao tối đa năng suất, đáp ứng được các đơn hàng đi nhiều thị trường khác nhau.

ThS. Vũ Thị Kim Oanh - ThS. Hoàng Hải Yến - PGS. TS. Nguyễn Thị Thùy Vinh (Trường Đại học Ngoại thương)

Cơ khí Quang Minh giảm lãng phí nhờ 5S và Kaizen (VietQ.vn) - Nhờ tích hợp công cụ kép 5S và Kaizen, Công ty Cổ phần Cơ khí Quang Minh đã giảm thiểu được chi phí gây lãng phí trong quá trình sản xuất.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang