Trung Quốc tham gia vào CPTPP, hàng hóa và doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt

author 06:25 21/09/2021

(VietQ.vn) - Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 86,28 triệu USD hàng hóa sang thị trường này, giảm 75,94% so với mức xuất siêu của 7 tháng năm 2020.

Xuất khẩu Việt Nam gặt “trái ngọt” nhờ Hiệp định CPTPP

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường CPTPP trong tháng 7/2021 đạt 7,9 tỷ USD, tăng 0,51% so với tháng 6/2021 và tăng 22,16% so với cùng kỳ năm 2020.

 Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021. Ảnh ST

Tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 59,08 triệu USD sang thị trường CPTPP, tăng 60,52% so với tháng 6/2021 và giảm 22,58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường Nhật Bản, Singapore, Canada, Malaysia… giảm thì xuất khẩu sang các thị trường Chile, Peru, Australia… lại tăng khá cao so với tháng 6/2021, còn so với cùng kỳ năm ngoái thì xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang 8/10 thị trường thành viên đều tăng trưởng cao. Một số mặt hàng như máy móc, thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện… của Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng rất cao. Một số mặt hàng tăng chậm như dệt may hay một số mặt hàng giảm như dầu thô, túi xách, vali, ô dù, gạo, thức ăn gia súc… nhưng nhóm các mặt hàng này đều chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước thành viên CPTPP trong tháng 7/2021 đạt 3,92 tỷ USD, tăng 0,23% so với tháng 6/2021 và tăng 22,70% so với tháng 7/2020.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường CPTPP đạt 52 tỷ USD, tăng 23,36% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 13,86% tổng kim ngạch thương mại hai chiều của cả nước, giảm nhẹ so với tỷ trọng 14,71% của 7 tháng năm 2020.

Từ đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang 8/10 thị trường thành viên CPTPP tăng trưởng mạnh, riêng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng chậm và giảm xuất khẩu sang thị trường Brunei.

Việt Nam nhận được lợi ích gì từ việc Trung Quốc gia nhập CPTPP

 Việt Nam nhận được nhiều lợi ích khi Trung Quốc tham gia CPTPP. Ảnh minh hoạ

Ngày 16/9, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP hiện gồm 11 nước: Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Việc Trung Quốc làm đơn xin gia nhập CPTPP, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ có nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức cho hàng hoá, thương mại của các nước trong CPTPP.

Đối với thị trường Việt Nam, khi Trung Quốc chính thức gia nhập CPTPP, hàng hoá của Việt Nam và các quốc gia trong CPTPP sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu của Trung Quốc và có thể tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam bán tại thị trường khổng lồ này.

Hiện nay, nhóm hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm kim ngạch cao. Theo đó, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm đạt gần 6,1 tỉ USD (chiếm 18,9% thị phần), với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này. Vì vậy, Việt Nam nên tiếp tục tăng cường xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhóm hàng điện tử, hàng tiêu dùng cũng được hưởng lợi nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP. Đây đều là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức khi Trung Quốc gia nhập CPTPP. Hàng nội địa của doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng hoá của Trung Quốc bán tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hoá của Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Chính vì vậy, sự lệ thuộc về nguồn cung nguyên liệu vào một quốc gia sẽ làm tăng mức độ rủi ro về thương mại cho Việt Nam. Để khắc phục những vấn đề trên, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo Việt Nam cần phân bổ rủi ro bằng cách đa dạng thương mại hóa thị trường nhập khẩu của mình, tập trung chiếm lĩnh thị trường nội địa, cải thiện chất lượng sản phẩm, hàng hoá để tạo tính cạnh tranh trên thị trường.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018 bao gồm Việt Nam, Singapore, Brunei, Malaysia, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Peru, Mexico, Chile.

Hiệp định CPTPP hiện đang bao phủ thị trường 495 triệu dân và đóng góp 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD. CPTPP được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do hấp dẫn. Gần đây, Vương quốc Anh và Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định này.

 Thuỳ Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang