Không bắt kịp xu thế về truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp sẽ tự loại mình khỏi cuộc chơi

author 06:33 19/11/2019

(VietQ.vn) - Bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, việc sử dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy thương mại là xu hướng bắt buộc và không bắt kịp xu thế, chúng ta (doanh nghiệp Việt Nam) sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

Trước vấn nạn như hàng giả, hàng nhái, hàng lưu thông không có nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc được xem như giải pháp để giải quyết vấn nạn trên. Truy xuất nguồn gốc hiện cũng đang trở thành vấn đề nóng được quan tâm trên toàn cầu.

Đặc biệt, đối với xuất khẩu, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Truy xuất nguồn gốc sẽ giúp các bên minh bạch thông tin về sản phẩm và hàng hóa, đồng thời chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Phát hiện điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất, chất lượng và đặc biệt giúp cho doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam.

Để có cái nhìn tổng quan hơn về những ảnh hưởng của truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty XNK BAGICO - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.

Thưa bà Nguyễn Thị Thành Thực, với vai trò là chủ một doanh nghiệp, bà đánh giá thế nào về ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt từ đối tác nước ngoài trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu?

Tôi nghĩ rằng, việc sử dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy thương mại là xu hướng bắt buộc và buộc phải thay đổi ngay chứ không thể từ từ vì chúng ta vốn đã chậm hơn nhiều so với thế giới.

Ví dụ như thị trường nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc người ta đã làm tốt truy xuất nguồn gốc từ cách đây 15 năm rồi. Bản thân sản xuất nội bộ người ta đã làm tốt từ lâu, đặc biệt là những vấn đề về chính phủ điện tử, thanh toán điện tử. Nếu không thay đổi, không bắt kịp xu thế, chúng ta (doanh nghiệp Việt Nam) sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

Theo bà, việc có một quy trình chuẩn về truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp và người tiêu dùng?

Thứ nhất, tất cả các quy định liên quan tới pháp luật thì theo tôi quy trình, mọi thứ đều phải chuẩn và thống nhất để tránh sự chồng chéo. Ví dụ như trong suốt thời gian vừa qua chúng ta có rất nhiều quy định chồng chéo giữa các đơn vị thực hiện kiểm tra, xét duyệt thủ tục với nhau. Việc có một sự thống nhất sẽ giảm phiền hà, giảm khối lượng công việc cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Thứ hai, chính người dân và doanh nghiệp cũng giám sát việc thực hiện quy trình đó đối với các cơ quan quản lý. Bản thân cụm từ truy xuất nguồn gốc đã nằm trong một chuỗi từ sản xuất cho tới tiêu thụ cuối cùng. Tuy nhiên với mỗi công đoạn truy xuất nguồn gốc thì tại mỗi Bộ ngành lại có những phần quản lý khác nhau.

Ví dụ khi truy xuất nguồn gốc nông sản cần chứng minh mã vùng, mã xưởng phía Bộ Công Thương cho rằng tất cả văn bản có rồi nhưng những cái đó lại dùng cho truy xuất nguồn gốc thực phẩm tiêu dùng trên thị trường chứ chưa phải yêu cầu mà thị trường nhập khẩu nước ngoài người ta quan tâm. Về vấn đề này ngay cả bản thân các bộ ngành cũng chưa có sự thống nhất.

Có thể thấy, thời gian qua, vấn đề hàng tạm nhập tái xuất qua Việt Nam và hàng giả xuất xứ Việt Nam đã gây tổn hại lớn đối với sản xuất trong nước làm cho nông nghiệp Việt Nam, những nhà sản xuất của Việt Nam gặp khó khăn. Nếu quản lý truy xuất nguồn gốc không chặt trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ đem lại nhiều rủi ro lớn, và có thể nhiều doanh nghiệp dẫn đến phá sản.

 Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty XNK BAGICO - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.

Hiện nay, tình trạng mỗi nơi làm một kiểu khiến cho hoạt động truy xuất nguồn gốc không đồng bộ hóa, không kết nối với cơ sở dữ liệu của GS1 toàn cầu. Điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi khi tham gia các hoạt động xuất khẩu. Theo bà cần phải làm gì để việc chuẩn hóa quy trình truy xuất nguồn gốc được các doanh nghiệp triển khai, áp dụng?

Tôi nghĩ rằng quy trình truy xuất nguồn gốc để phù hợp với những thông lệ quốc tế đặc biệt là cơ sở dữ liệu GS1 toàn cầu là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp. Bởi nếu lấy ví dụ thị trường Úc hay Niu Di-lân nếu như hôm nay chúng ta đưa ra một quy định để chạy theo người ta, sau đó quay trở lại với thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật thì vấn đề đàm phán, thống nhất các quy định để liên thông với GS1 toàn cầu sẽ khó khăn và không doanh nghiệp nào làm chuyện đó.

Doanh nghiệp chúng tôi chỉ là người thực hiện những điều đó và cùng các cơ quan nhà nước, ví dụ phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ đã có bộ tiêu chuẩn cho GS1 toàn cầu. Nhưng ngược lại GS1 còn liên quan tới Bộ NN&PTNT. GS1 của Việt Nam có thể đàm phán với các thị trường nhưng Bộ NN&PTNT là đơn vị cấp mã vùng trồng trọt chẳng hạn thì phải có sự thống nhất, thống nhất ngay từ quy định văn bản.

Ví dụ đối với thị trường Trung Quốc, thị trường mà chúng tôi xuất khẩu nhiều nhất thì phía Trung Quốc có yêu cầu hai năm nay nhưng lại chưa có thông báo về quy định cụ thể, người ta cũng rất mở để phía Việt Nam đàm phán xem quy định ra sao, nhưng khi hỏi tới Bộ NN&PTNT thì mới biết các mã vùng đang được công nhận truy xuất nguồn gốc lại căn cứ theo tiêu chuẩn của Úc và Niu Di Lân. Nếu cứ căn cứ theo những tiêu chuẩn này thì có nhiều điều không phù hợp thực tế Việt Nam.

Về vấn đề này tôi cho rằng phía Bộ NN&PTNT cần có sự hợp tác với GS1 Việt Nam để đưa ra quy định thống nhất. Nếu làm sớm sẽ giúp thị trường Việt Nam tránh được những va chạm. Đặc biệt tôi muốn nói về Luật Trồng trọt bắt đầu từ 1/1/2020 thi hành trong đó phải đặc biệt lưu ý điều 64 của Luật này quy định về quản lý và truy xuất mã vùng đối với nông sản sản xuất tại Việt Nam.

Chúng ta phải đáp ứng quy định của thị trường xuất khẩu nhưng ngược lại cũng phải chú ý điều 78 của Luật Trồng trọt quy định về truy xuất nguồn gốc của những sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Việt Nam. Đó là Luật đã được Quốc hội thông qua. Tất cả những điều này cho thấy ta cũng bình đẳng như đối tác, họ có yêu cầu quy định đối với sản phẩm của ta thì ta cũng phải có quy định tương đương quản lý sản phẩm nhập từ họ.

Một vấn đề nữa tôi muốn nói ở đây là việc Luật Trồng trọt sắp được đưa vào thực hiện nhưng các bộ ngành, cơ quan địa phương hiện lại chưa có văn bản để hướng dẫn cụ thể, đồng bộ về việc thi hành Luật. Đó là thiệt thòi cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Vấn đề này chúng ta cần có để đáp ứng thực tiễn.

Là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của các nước nhập khẩu, đặc biệt là trong vấn đề truy xuất nguồn gốc, theo kinh nghiệm của bà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì để vượt qua các rào cản này?

Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng Trung Quốc mà rất nhiều nước cũng như người tiêu dùng đều đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải làm thật và minh bạch. Bởi vì công nghệ thông tin ngày càng phát triển và đang có rất nhiều công cụ miễn phí cho người dân để họ có thể giám sát được hàng có thật hay không.

Cho nên cái đầu tiên là phải minh bạch, thật sự. Anh có thể đổ tiền vào làm, có thể che mắt người ta một hai ngày nhưng không thể gian dối mãi. Nếu một ngày chỉ cần một thông tin người tiêu dùng phát hiện ra rằng anh làm không thật thì thương hiệu của anh sẽ hoàn toàn sụp đổ.

Việt Nam cũng đã có những trường như vậy rồi cho nên đứng ở góc độ doanh nghiệp tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chậm một chút, tốn kém chi phí ban đầu một chút nhưng về nguyên tắc chúng ta phải làm thật. Để làm thật chúng ta phải tuân thủ pháp luật kể cả đó là quy định của nước sản xuất hay nước nhập khẩu.

Với thị trường Trung Quốc hiện nay, mặc dù họ đã thông báo về quy định áp dụng với 9 loại nông sản trái cây của Việt Nam nhưng phải nói thật là người ta chưa làm chặt chẽ chưa đúng theo quy định người ta đưa ra bởi vì nếu như vậy, bản thân việc cấp mã vùng trồng của Việt Nam chưa đạt được 1%. Căn cứ trên dữ liệu của Trung Quốc chúng ta có khoảng 1 triệu ha trái cây nhưng chúng ta mới cấp mã vùng chưa được 1%.

Trong 9 loại nông sản trái cây tôi đề cập phải đáp ứng truy xuất nguồn gốc thì Trung Quốc mới chỉ làm với dưa hấu nhưng làm chưa đến nơi đến chốn, vẫn còn khá mở nhẹ nhàng cho Việt Nam. Việc người ta làm theo kiểu “mắt nhắm mắt mở” như vậy sẽ tạo ra một tình huống cực kỳ nguy hiểm cho người Việt Nam và gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tối.

Chúng ta cứ nghĩ rằng ngay bản thân chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước đôi khi cũng nói rằng “người ta có đòi hỏi gì đâu, hàng vẫn xuất khẩu ầm ầm, ngày nào cũng vài trăm container”. Chúng ta cực kỳ chủ quan trong khi luật pháp người ta đã có quy định rồi, đã thông báo với chúng ta rồi.

Chẳng may có thể một ngày cơ quan quản lý nhà nước của người ta đến cửa khẩu kiểm tra việc thực hiện đó, người ta thấy không đúng quy định, lúc đó sẽ ùn ứ hàng trăm, hàng nghìn container. Bấy giờ bắt đầu sự việc mới liên quan tới cả các bộ ngành, chính phủ đều phải vào cuộc đàm phán, giải cứu nông sản ùn ứ.

Tôi nghĩ Chính phủ nên kiểm tra các bộ ngành, các địa phương xem đã thông báo, hướng dẫn người dân thực hiện quy định của nước nhập khẩu đến đâu. Chúng ta không thể chủ quan, phải làm nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Xin trân trọng cảm ơn bà về những chia sẻ này !

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang