TS. Nguyễn Đình Cung: Cần thêm xung lực cho tăng trưởng trung và dài hạn

author 06:23 03/02/2022

(VietQ.vn) - Hai năm đối mặt với đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam chịu không ít tổn thất. Có lẽ chưa bao giờ nền kinh tế bị “tổn thương” nặng nề như giai đoạn vừa qua. Phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) để cùng nhìn lại một năm đầy bão táp này.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). 

Trong đợt bùng phát đại dịch, lần đầu tiên GDP ghi nhận tăng trưởng âm, với mức giảm 6,17%. Ông có thể phân tích sâu hơn những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này?

Theo tôi, trong 2 năm qua, tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế là giống nhau. Năm đầu tiên, do còn lúng túng khi lần đầu đối mặt với thảm họa mới, Việt Nam chưa có nhiều giải pháp hiệu quả trong vấn đề vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế. Nhưng dù sao, các đợt bùng phát dịch trong năm 2020 diễn ra ở quy mô nhỏ, sự tác động không bằng các nước khác. Sang năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục chi phối nền kinh tế. Đặc biệt, trong quý II/2021, trùng với thời điểm bùng phát dịch lần thứ 4, tăng trưởng GDP từ 7% xuống còn 2,91%, nhiều ngành dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn,... phải ngừng hoạt động, hàng triệu người lao động mất việc làm.

Điều đáng nói, đợt bùng phát này “đánh” trực diện vào khu kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TP.HCM, “đầu tàu” kinh tế của cả nước là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất. Để phòng chống dịch, các địa phương đã phải phong tỏa, giãn cách xã hội trong thời gian 2 tháng, dài gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần các đợt bùng phát dịch bệnh lần trước. Quy mô giãn cách cũng rất rộng và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến năm 2021 khó khăn hơn năm trước đó.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm khởi sắc, GDP quý IV tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự đảo chiều ấn tượng, đưa GDP cả năm 2021 tăng 2,58%.

Ông đánh giá gì về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn?

Theo tôi, cả trung và dài hạn, triển vọng phục hồi và tăng trưởng của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc kiểm soát dịch bệnh. Nếu kiểm soát được, quá trình phục hồi mới bền vững, không trồi sụt. “Điểm sáng” của kinh tế Việt Nam là Chính phủ đã thay đổi cách nhìn về phương án chống dịch. Thay vì chống dịch cực đoan như trước, Việt Nam đã bắt đầu “sống chung với đại dịch”, các địa phương chưa thể mở cửa như trước, nhưng bắt đầu mở cửa một phần, cởi trói cho doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Trong 2 năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Thế nhưng, một số chính sách vẫn tồn tại bất cập. Ông nhìn nhận gì về điều này?

Về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tôi chia làm 3 chính sách chính, bao gồm tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội.

Đối với tài khóa, chính sách giãn thuế, hoãn thuế không thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp chưa thực sự được hưởng, họ vẫn phải trả trong tương lai. Giải pháp này chỉ hỗ trợ thanh khoản trong giai đoạn khó khăn. Hoặc trong năm 2020, Chính phủ đồng ý giảm 3% thuế môi trường cho xăng dầu, nhưng trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, doanh nghiệp không hoạt động được nên tác động của việc giảm thuế là không đáng kể.

Hiện tại, các doanh nghiệp được hoãn, giãn 3 loại thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT và thuế đất. Đặc biệt, doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng chính sách này. Tuy nhiên, điều kiện để nhận hỗ trợ rất khó thực hiện, nếu mà có thì miễn được 2.000 tỷ đồng. Việc miễn thuế VAT đối với hộ kinh doanh cá thể nhưng trong 2 quý năm 2021, họ không hoạt động, nên việc giảm thuế cũng không có doanh thu để hưởng. Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất cho vay và cơ cấu lại nợ, nhưng các điều kiện để tiếp cận tín dụng ưu đãi cũng tương đối khó khăn.

Về chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động có nhiều gói, nhưng tốc độ giải ngân chậm. Năm nay, mới giải ngân được 35,4% của gói 73.000 tỷ đồng.

Tôi cho rằng, chúng ta nên xem xét lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, từ đó có thêm sự can thiệp kịp thời, để sự hỗ trợ này đến đúng người và đúng thời điểm.

Ông nhận định ra sao trước một số quan điểm cho rằng, các chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp và đề nghị nâng thêm, nhất là gói hỗ trợ cho người dân chịu thiệt hại bởi đại dịch COVID-19?

Quan điểm này cũng có căn cứ. Tôi lấy ví dụ, năm ngoái, Mỹ là quốc gia chịu thiệt hại rất nặng vì đại dịch COVID-19, nhưng năm nay họ tăng trưởng rất nhanh. Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác có GDP giảm, sản xuất giảm, nhưng thu nhập của người dân không giảm. Bởi, Chính phủ của họ đã bỏ ra gói trợ cấp khổng lồ từ nguồn ngân sách. Họ quan niệm rằng, mọi người dân đều bị tác động như nhau, nên Chính phủ bù đắp cho họ bằng tiền để duy trì cuộc sống, để tổng cầu của kinh tế không giảm.

Ngược lại, tại Việt Nam, người dân đang trong giai đoạn dịch bệnh, người dân tiêu cả tiền tiết kiệm, nhưng tổng cầu vẫn giảm, nếu họ không nhận được hỗ trợ đủ lớn của Chính phủ, thì tốc độ tăng trưởng không thể nhanh được.

Do đó, tôi cho rằng, Việt Nam phải tìm ra động lực thay đổi, nếu không thay đổi sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Không còn cách nào khác, Việt Nam cần có sự thay đổi về việc triển khai các gói hỗ trợ, chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hoàng Anh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang