Từ dấu ấn năm 2022 - xuất nhập khẩu phải hướng đến phát triển xanh và bền vững

author 12:38 24/01/2023

(VietQ.vn) - Năm 2022 đã qua với những thành tựu đáng kể của nền kinh tế, tăng trưởng GDP đạt trên 8%, vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm trong bối cảnh khó khăn. Thành tích đó có sự đóng góp quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), với tổng giá trị kim ngạch XNK lập đỉnh hơn 732 USD, tiếp tục là điểm sáng ấn tượng, một chân kiềng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Bước sang năm mới 2023, cùng với tăng trưởng xuất khẩu, XNK phải hướng đến phát triển xanh và bền vững.

Xuất nhập khẩu lập đỉnh kỷ lục

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi: đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, xung đột quân sự, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, suy thoái, lạm phát diễn ra trên toàn cầu dẫn đến nhu cầu ở các thị trường lớn của Việt Nam sụt giảm, đơn đặt hàng giảm,… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng sản xuất và xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Tuy nhiên, với những nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2022 tiếp tục đạt kết quả quan trọng, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 400 tỷ USD. Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu lập đỉnh hơn 732 USD, tiếp tục là điểm sáng ấn tượng, một chân kiềng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả ấn tượng với tổng kim ngạch đạt hơn 732 USD.

Hầu hết lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam đều tăng trưởng xuất khẩu tốt, đặc biệt là nông sản tăng trưởng xuất khẩu đồng đều ở các thị trường. Phải kể đến đầu tiên là ngành thủy sản, đã về đích ở cột mốc lịch sử 11,2 tỷ USD. Đây cũng là năm đầu tiên ngành này có nhiều tháng liên tiếp đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD mỗi tháng.

Xuất khẩu gạo đạt khối lượng lớn với giá xuất khẩu cao. Giá gạo xuất khẩu (gạo 5% tấm) của VN được bán ở mức cao nhất thế giới, cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan khoảng 20 - 25 USD/tấn. Cơ cấu gạo XK thay đổi rõ nét, gạo XK chủ yếu là gạo thơm, gạo chất lượng cao. Cùng trong nhóm nông sản kim ngạch XK cao còn có mặt hàng cà phê, với con số kim ngạch XK đạt 3,8 tỉ USD.

Đối với lĩnh vực sản xuất, với kim ngạch xuất khẩu bình quân 2,2 tỉ USD/tháng, năm 2022, ngành giày dép túi xách đã mang về kim ngạch xuất khẩu 27 tỉ USD. Với dệt may, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành này đã nỗ lực tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA và về đích năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Riêng ngành xuất khẩu gỗ, mặc dù xuất khẩu đồ gỗ nội thất gặp khó khăn nhưng xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ phát triển mạnh mẽ đã cân đối lại lượng ngoại tệ mang về trong năm 2022 với kim ngạch trên 16,5 tỷ USD.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì xuất siêu, đã góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước.

Phát triển xuất nhập khẩu hướng đến xanh và bền vững

Tại Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/4/2022 nêu rõ, phải phát triển xuất nhập khẩu bền vững, gắn với thương mại xanh, thương mại công bằng và bảo vệ môi trường.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), với quan điểm đặt ra trong chiến lược XNK, bên cạnh tăng trưởng nhanh, phải tăng trưởng bền vững, tức là chúng ta không chỉ đi nhanh mà phải đi xa. Chúng ta không đánh đổi mọi cách để tăng trưởng XK mà tăng trưởng XK đi đôi với duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, tạo ra giá trị tốt hơn cho các thế hệ sau này. Cùng với đó, phải duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, hài hòa cơ cấu mặt hàng, thị trường, bảo đảm tăng trưởng XNK bền vững.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương). 

Phát triển bền vững, sản xuất xanh đã trở thành xu hướng của thế giới. Do vậy, chúng ta không chỉ sản xuất nhiều với giá rẻ mà phải đáp ứng trách nhiệm xã hội về sử dụng lao động, nguyên liệu tái chế, bảo vệ môi trường, đảm bảo công bằng xã hội, đáp ứng tiêu chuẩn các nước nhập khẩu. Và doanh nghiệp phải thích nghi với luật chơi này, vì nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu thương mại xanh của nhà nhập khẩu, thì doanh nghiệp các nước khác sẽ đáp ứng và lấp ngay vào chỗ trống- ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Bước sang năm 2023, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn do xung đột Nga- Ukraina vẫn chưa có hồi kết gây ảnh hưởng suy thoái toàn cầu; thị trường bị thu hẹp; một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường EU, Hoa Kỳ đang đối mặt với áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ. Hàng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc do nước này nới lỏng chính sách tiền tệ khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách mới của từng thị trường, tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy xuất khẩu; Thúc đẩy XK chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu. Doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong hoạt động thương mại quốc tế, đây là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, bởi nếu có chiến lược thích ứng tốt sẽ giảm thiểu được rủi ro. Các doanh nghiệp đã đạt thành tích xuất khẩu tốt trong năm 2022 cũng không được chủ quan, bởi môi trường kinh tế quốc tế biến động khó lường, cần có những phương án ứng phó thích hợp- Bộ Công Thương khuyến nghị.

Trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về cả quy mô và tốc độ. Năm 2007, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 100 tỷ USD. Năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 200 tỷ USD. Năm 2015, con số này tăng lên 327,76 tỷ USD. Năm 2017, đạt 425,12 tỷ USD. Năm 2019, đạt 517,26 tỷ USD.

Năm 2021, với tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 668,54 tỷ USD, xuất nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới. Năm 2022, kết quả ấn tượng hơn 732 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu là kỷ lục mới, một dấu mốc mới trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.

Lê Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang