Tư duy 'giải cứu' nông sản phải thay bằng nâng niu giá trị nông sản

author 06:54 15/09/2021

(VietQ.vn) - Trước hàng loạt khó khăn do dịch bệnh gây ra đối với lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng ngày, hàng giờ, cơ quan chức năng vẫn luôn tìm cách gỡ các nút thắt giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều khó khăn bủa vây

Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức, thực hiện kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội. Hiện cũng là thời điểm nhiều nông sản, trái cây vào mùa thu hoạch, rất dễ xảy ra tình trạng dư thừa hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng ở một số vùng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch lại có thể thiếu hụt hàng hóa do gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong gần 2 năm vừa qua, Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực, tác động trực diện đến các chuỗi cung ứng, xuất khẩu. Thậm chí, trong thời gian từ tháng 6 trở lại đây, Đồng Bằng Sông Cửu Long là khu vực trọng tâm sản xuất nông nghiệp của nước ta cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Các địa phương phải thực hiện giãn cách kéo theo việc chúng ta phải giải quyết khó khăn trong sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu thụ giữa các địa phương, đặc biệt khu vực TP.HCM; hay đưa hàng ra các cảng để xuất khẩu sang nước ngoài… đây là những khó khăn chung của nước ta, các nước trong khu vực. Nhưng không vì thế mà chúng ta nản lòng, bởi trong câu chuyện xuất khẩu nông sản, hàng ngày, hàng giờ, cơ quan chức năng vẫn luôn tìm cách gỡ các nút thắt giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.

Phát huy sáng kiến giữa dịch bệnh

Theo Tổ công tác miền Nam (Tổ công tác 970) của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thành Nam làm tổ trưởng, đến thời điểm này, Tổ công tác đã hình thành gần 1.500 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, rau củ quả, trái cây, các sản phẩm chế biến vào TP.HCM. Thành công này đến một phần từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, đưa sản lượng, giá cả, thời điểm thu hoạch, khả năng vận chuyển lên trang htx.cooplink.com.vn để người mua và người bán trực tiếp liên hệ với nhau.

Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT chuẩn bị 15 loại combo nông sản với các mức giá từ bình dân đến cao cấp.

Đặc biệt, các sản phẩm VietGAP, GlobalGAP tiêu thụ rất tốt, thậm chí thiếu hàng. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa có VietGAP đã áp dụng nhật ký sản xuất điện tử, đưa mã QR Code cho nhà thu mua để người mua biết được quy trình chăm sóc, số lần phun thuốc, thời gian phun thuốc để họ yên tâm mua hàng. Riêng sáng kiến về “gói combo” nông sản của Tổ 970 được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây là mô hình mới ở Việt Nam, được người dân, hệ thống phân phối ủng hộ.

 
“Trong 3 tuần triển khai, Chương trình nông sản combo 10kg/túi gồm gạo, thịt, rau, củ quả đã cung cấp 37 ngàn gói combo cho người dân khó khăn trong vùng phong tỏa, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ được hơn 300 tấn nông sản. Chương trình này có sức lan tỏa lớn, được nhiều tỉnh, thành áp dụng và nhân rộng”.
 

Trước yêu cầu lớn kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố gặp khó khăn và bị đứt gãy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thành lập “Diễn đàn thông tin Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản”. Diễn đàn là kênh thông tin xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản, vật tư nông nghiệp và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian tới, Diễn đàn sẽ thường xuyên tổ chức các "Chợ online kết nối nông sản”, xây dựng triển lãm nông sản ảo. Trên chợ này sẽ hiển thị thông tin bên mua bên bán, các gian hàng trưng bày được hiển thị trên màn hình máy tính với không gian 3D, 4D để người mua có thể nhìn thấy sản phẩm chân thật nhất.

Về dài hạn, Diễn đàn sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản; hoàn thiện hệ thống truyền thông đa phương tiện về cung – cầu nông sản; tổ chức định kỳ các diễn đàn thông tin kết nối; tập hợp thông tin dữ liệu khách hàng cung-cầu; hoàn thiện vận hành chợ online; hoàn thiện, vận hành triển lãm ảo. Thông tin chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng nông sản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Diễn đàn không chỉ phát huy trong giai đoạn dịch bệnh mà sẽ đồng hành trong suốt quá trình phát triển của nền nông nghiệp, góp phần làm thay đổi nhận thức, lấy thị trường làm chuẩn mực điều hành sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng dễ hơn, đồng thời giúp Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng theo sát đời sống xã hội nông thôn, sát với ruộng vườn của nông dân hơn.

Thực tế, thừa cung cục bộ, thiếu cung cục bộ là do thiếu thông tin, dữ liệu; người mua, người bán chưa gặp nhau; có thể nói diễn đàn là khởi đầu cho phương thức vận hành khác đi, tư duy sản xuất khác đi và tư duy giải cứu nông sản phải thay bằng tư duy nâng niu giá trị nông sản. Nguồn lực còn rất lớn từ doanh nghiệp, nông dân, các ngành hàng… cần kết nối lại để hình thành hệ sinh thái nông nghiệp có sự phát triển hài hòa và bền vững.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang