Kết nối hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, cung ứng cho người dân TP.HCM

author 18:11 11/09/2021

(VietQ.vn) - Sáng kiến về gói combo nông sản của Tổ Công tác 970 (Bộ NN&PTNT) cung ứng cho người dân TP HCM được xã hội đánh giá cao. Đây là mô hình mới ở Việt Nam, được người dân, hệ thống phân phối chấp nhận. Tổ công tác 970 tiếp tục mở rộng các đầu mối cung ứng nông sản, thực phẩm cho TPHCM, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Nhiều sáng kiến cung ứng nông sản cho người dân TP.HCM

Báo cáo tại diễn đàn trực tuyến Kết nối nông sản 970 do Tổ điều hành Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 11/9/2021, ông Trần Minh Hải- Giám đốc Trung tâm kinh tế Hợp tác, Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II cho biết, từ lúc Tổ Công tác 970 (Bộ NN&PTNT) đi vào hoạt động, đến nay đã có hơn 1.430 đầu mối kết nối nông sản. Đó là các hợp tác xã, trang trại, DN sơ chế, chế biến, cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ có năng lực thu gom, vận chuyển.

Cung ứng combo nông sản đến người dân TP.HCM. (Ảnh minh họa internet)

“Sáng kiến về gói combo của Tổ 970 được xã hội chấp nhận, đánh giá cao. Đây là mô hình mới ở Việt Nam, được người dân, hệ thống phân phối chấp nhận. Gói combo gồm 5 loại, tổng trọng lượng 10kg. Người dân mua một lần, sử dụng được 3-5 ngày, hạn chế phải tiếp xúc với người. Một ngày, doanh thu đặt hàng từ gói combo là 1 tỷ đến 1,3 tỷ đồng”- ông Hải cho biết.

Sang giai đoạn 2, Tổ 970 sẽ mở rộng, đưa số liệu trực tiếp từ nhà cung cấp đến các điểm đặt hàng để hai bên tự thương lượng điểm giao hàng. Nếu từ 100 đến 200 combo trở lên, thì chỉ 1-2 ngày sau hàng sẽ đến TP.HCM. Các tỉnh cũng đang hình thành nhiều gói combo, từ 150.000đ đến 500.000đ, có cả thịt, trứng sữa và thậm chí cả thủy sản.

Sáng kiến nữa của Tổ 970, đó là xe bán hàng lưu động từ các tỉnh lên TP.HCM. Theo đó, tỉnh chào hàng combo từ 2-3 ngày trước, công bố cho phường, quận trên TP.HCM. Việc này là bán hàng trực tiếp từ trang trại lên, không qua trung gian, chi phí vận hành thấp, giá bán cũng rẻ hơn. Hiện mô hình này đang được nhân rộng- ông Hải cho hay.

Ông Hoàng Anh Tuấn- đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian vừa qua, việc tiêu thụ sản phẩm sữa bò của đơn vị đã gặp phải khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có thời điểm người nông dân đã phải đổ sữa bỏ đi. Tuy nhiên, thông qua Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sữa trong 100.000 gói combo nông sản. Qua đó, vừa đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng cho người dân TP.HCM, vừa tiêu thụ sản phẩm sữa cho đơn vị.

Ông Nguyễn Trí Hải- Giám đốc Công Ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Trí Hải chia sẻ, từ ngày 14/7/2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thời điểm đó, giá sản phẩm rau củ quả trên thị trường đã tăng đột biến. Công ty ngay lập tức triển khai nhiều giải pháp để tiêu thụ các sản phẩm rau củ quả, dầu ăn, nước tương, đường, muối…

“Bên cạnh đó, đơn vị đã có phản ứng nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng được đơn hàng số lượng lớn của Tổ công tác 970. Đến ngày 5/9/2021, Công ty đã cũng cấp 75.000 gói combo nông sản cho người dân tỉnh Bình Dương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cung cấp 50.000 gói combo nông sản mới cho người dân địa phương này” - ông Nguyễn Trí Hải thông tin.

Tiếp tục mở rộng kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Theo ông Trần Trọng Khiêm- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, đến thời điểm hiện tại các mặt hàng nông sản trên địa phương như lúa, tôm cơ bản đã tiêu thụ hết. Tuy nhiên, hiện Sóc Trăng còn tồn khoảng hơn 50 tấn khoai môn và 20 tấn ớt sừng vàng. Đặc biệt là còn tồn tại ao nuôi gần 1.000 tấn cá chẻm, đầu ra đang bị tắc nghẽn, cần được hỗ trợ tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường TPHCM.

Ông Khiêm đề nghị Tổ công tác giới thiệu để Sở NN&PTNT Sóc Trăng kết nối các hộ nuôi, các hợp tác xã tìm đầu ra cho cá chẻm. Tổ công tác hỗ trợ để bên tiêu thụ đưa ra các yêu cầu về mặt hàng nông sản. Ví dụ, cá chẻm thì yêu cầu như thế nào, có chế biến không, hay để tươi sống hoặc đông lạnh để phía đầu mối cung cấp đáp ứng yêu cầu. Phía các kênh tiêu thụ tại phía TPHCM cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể về các mặt hàng nông sản để phía Sóc Trăng tìm cách đáp ứng, sản xuất theo đơn đặt hàng...

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cũng đề nghị Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho Vĩnh Long được tham gia các chợ đầu mối của TP để tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp  khẳng định: Sau ngày 15/9/.2021, mọi hoạt động cung cầu sẽ dần trở lại bình thường. Đề nghị các tỉnh chuẩn bị các công tác liên quan đến thẻ xanh, thẻ vàng để có thể tham gia cung ứng nông sản thực phẩm cho TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các Sở NN&PTNT tiếp tục duy trì Tổ phát triển thị trường hay Tổ kết nối nông sản, để nắm rõ nguồn cung hàng hóa, phương thức phân phối nông sản thực phẩm, đồng thời gắn kết thông tin với Bộ, với doanh nghiệp.

Sau 15/9/2021, TP.HCM từng bước mở rộng thị trường đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Do vậy cần phải tổ chức kết nối theo hình thức trực tuyến giữa chợ đầu mối Bình Điền của TP.HCM với hợp tác xã ở các tỉnh nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ nông sản thực phẩm cho người dân TP- Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang