Nhập khẩu các mặt hàng nông sản vào thị trường Việt Nam gia tăng đáng kể

author 19:47 14/09/2021

(VietQ.vn) - Theo thống kê, các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Trung Quốc tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Campuchia bất ngờ vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam.

Theo kết quả báo cáo về đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) nêu rõ, 8 tháng năm nay, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng trên 44% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 57,7%.

Đáng chú ý, Campuchia bất ngờ trở thành thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10% thị phần. Trong đó, mặt hàng điều của Campuchia chiếm 72,2% giá trị. Đứng thứ hai là Mỹ với kim ngạch xuất khẩu là 2,7 tỷ USD, chiếm 9,3% thị phần.

Theo đó, Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn thứ 3, chiếm chiếm 7,3% tổng giá trị nhập khẩu nông sản 8 tháng năm 2021 của nước ta.

 Nông sản Trung Quốc được nhập khẩu vào thị trường trong nước gia tăng đáng kể. Ảnh minh hoạ

Tổng Cục Hải quan cũng cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu nông lâm thuỷ sản từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 8/9 nhóm mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh.

Cụ thể, hàng rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 236 triệu USD tăng 34,4%; thủy sản đạt gần 103 triệu USD, tăng 39%; cao su đạt 131 triệu USD, tăng gần 190%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 681 triệu USD tăng 71,4%; thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt 233 triệu USD, tăng 21,5%; phân bón các loại đạt 340 triệu USD, tăng 52%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 133 triệu USD, tăng 23,4%.

Trên thực tế, thời gian gần đây rau quả Trung Quốc đang được bán la liệt trên thị trường, nhất là “chợ mạng” như táo, nho, lựu, dưa. Thậm chí có loại giá chỉ vài ngàn đồng mỗi kg.   

Bên cạnh các mặt hàng nông sản, trong tháng 8 vừa qua, giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực trong ngành Nông nghiệp đều giảm, song tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% do những tháng đầu năm tăng mạnh.

Trong báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt là Hoa Kỳ đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần). Tiếp sau đó là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 6,8% và 4,3%.

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cũng chỉ rõ, xuất siêu của ngành Nông nghiệp 8 tháng năm 2021 chỉ đạt 3,3 tỷ, giảm tới 48,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22% so với tháng 7/2021. Theo đó, ngoài 3 nhóm sản phẩm tăng là sản và sản phẩm sắn, sản phẩm từ ngũ cốc, sữa và sản phẩm sữa thì hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh.

Cụ thể, xuất khẩu sản phẩm gỗ giảm 50,2%; cá tra và tôm giảm 29,7%, rau củ quả giảm 25,8%, phân bón giảm 23,6%, hồ tiêu giảm 21,5%,...

Dịch bệnh đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp, nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu. Trong đó, nhiều doanh nghiệp/nhà máy chỉ hoạt động ở 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0.

Tại Hội nghị trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, dịch Covid-19 lần 4 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và thuỷ sản nói riêng. Sản phẩm cá tra tiêu thụ khó khăn, tôm càng khó khăn hơn.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) - cho biết, tại các tỉnh ĐBSCL, 120/449 nhà máy chế biến phải dừng hoạt động. Các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng 30-40%, tuy nhiên chi phí sản xuất của nhà máy tăng, chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.

Trong khi đó, việc kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... làm giá mua giảm mạnh, nhất là tôm nguyên liệu. Việc cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test Covid-19.

“Nếu tình trạng này không được cải thiện, đứt gẫy chuỗi sản xuất NTTS là rất lớn và nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn”, ông Luân nhận định.

Theo nhiều doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới như Mỹ, châu Âu đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và nhu cầu nhập khẩu thủy sản tăng cao, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Theo đó, đơn hàng doanh nghiệp nhận được rất nhiều. Tuy nhiên, họ đành phải “bó tay”, bởi thiếu lao động, thiếu nguyên liệu, việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng này sang vùng khác gặp nhiều khó khăn... dẫn tới không thể tăng quy mô sản xuất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Để duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản, Bộ NN-PTNT dự kiến sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vắc xin Covid-19 sẽ được đi đâu, làm gì ở các tỉnh, thành phố mà tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Cho phép xã hội hóa việc xét nghiệm, tiêm vắc xin, cho phép doanh nghiệp được chủ động tìm nguồn, mua và chủ động tiêm phòng cho lao động với hướng dẫn của CDC địa phương.

Cùng với đó, kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm. Đồng thời, xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp.

Bộ NN-PTPT cũng đề nghị tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; xem xét hỗ trợ giảm ít nhất 1/2 tiền điện cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến phải duy trì 3 tại chỗ (nhất là các nhà máy, kho lạnh).

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang