Nhiều bệnh nhân tử vong do thuốc kháng sinh không còn tác dụng

author 19:54 30/09/2024

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ tại một số bệnh viện, kháng thuốc kháng sinh là gánh nặng của ngành y tế hiện nay, nhất là đối với các bác sĩ điều trị. Nhiều bệnh nhân kháng tất cả các loại kháng sinh không đáp ứng điều trị dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân tử vong do thuốc không còn tác dụng

Theo ghi nhận hiện nay tại nhiều nước, việc sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả nhưng ở Việt Nam phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4 (thế hệ mới) mà nhiều bệnh nhân vẫn kháng toàn bộ kháng sinh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 40 - 60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trước khi nhập viện. Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện vì một bệnh khác nhưng do kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch, tử vong do nhiễm trùng. Thậm chí, một số bệnh nhân nhiễm trùng với những con vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh mà bệnh viện đang có.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), tỉ lệ bệnh nhân đa kháng thuốc trên bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện cao khoảng 70-75%, tỉ lệ bệnh nhân nhiễm khuẩn trong cộng đồng (bệnh nhân trực tiếp đến bệnh viện thăm khám) hoặc từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên chiếm khoảng 30% hoặc có thể hơn.

Một số trường hợp điển hình như bà H.T. (72 tuổi, thành phố Hồ Chí Minh) có bệnh nền tăng huyết áp nhập viện tại Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp nặng được chuyển đến khoa hồi sức tích cực để điều trị. Thế nhưng tiên lượng của bệnh nhân ngày càng xấu hơn, bệnh tình không có tiến triển gì.

Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa

Ngay lập tức bệnh nhân được các bác sĩ làm xét nghiệm cho thấy bà đã kháng tất cả các nhóm kháng sinh truyền thống, nếu không nhanh chóng tìm được kháng sinh mới, nguy cơ tử vong nhanh. Các bác sĩ nhanh chóng cấy máu, cấy đàm, giải trình tự gene để tìm kháng sinh mới phù hợp, may mắn sau hơn một ngày tìm kiếm kháng sinh, bệnh nhân đã đáp ứng.

Đây chỉ là một trong những trường hợp may mắn mà bác sĩ Trần Thị Vân Anh - Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất đã điều trị. Có những trường hợp bệnh nhân đã tử vong vì kháng thuốc do không còn thuốc thích hợp để điều trị.

Theo bác sĩ Vân Anh, hiện có nhiều loại vi khuẩn thông dụng, nguy hiểm nhưng có tỉ lệ kháng thuốc cao đến rất cao, như nhóm vi khuẩn E.coli (vi khuẩn đường ruột), một số loại kháng sinh như Enrofloxacin điều trị đã kháng lên tới 67%. Hay như vi khuẩn Acinetobacter baumannii gây viêm phế quản, viêm phổi, kháng sinh Cefepime dùng để điều trị đã lên đến 71%...

Tại bệnh viện nhiều bệnh nhân đã tử vong do kháng toàn bộ kháng sinh không thể tìm được loại kháng sinh mới để đáp ứng điều trị. Hay như có những người đã tử vong trong thời gian các bác sĩ tìm được loại kháng sinh điều trị. Điều lo lắng nhất hiện nay là không có thuốc kháng sinh mới để điều trị.

Mua bán các loại thuốc kháng sinh tràn lan 

Theo ghi nhận, hiện tình trạng mua bán các loại thuốc kháng sinh tràn lan, rất phổ biến cả trên mạng lẫn các tiệm thuốc. Mặc dù theo quy định của Bộ Y tế, việc mua bán kháng sinh phải có sự hướng dẫn, kê toa chặt chẽ của bác sĩ. Không chỉ tại các hiệu thuốc, việc mua bán thuốc kháng sinh trên mạng cũng vô cùng đơn giản.

Tại các hội nhóm trên mạng xã hội như "Chợ sỉ thuốc Tây Tô Hiến Thành" với hơn 76.000 thành viên, "Chợ sỉ thuốc Tây Q.10" với 19.000 thành viên, "Chợ thuốc Tây" với 17.000 thành viên... liên tục rao bán sỉ và lẻ hàng loạt các loại kháng sinh với cam kết gửi hàng đến tận nhà. Các thuốc này được rao bán dưới dạng tiêm hoặc dạng uống đủ loại dành cho cả trẻ em và người lớn. Hệ lụy mua và bán thuốc kháng sinh không có toa bác sĩ đã được cảnh báo nhiều, tuy nhiên đến nay vẫn không giảm dẫn tới tình trạng kháng thuốc ngày càng nghiêm trọng.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không ở đâu lại có thể mua bán thuốc thoải mái như ở Việt Nam, nhất là thuốc kháng sinh. Tôi đã từng thử làm người đi mua thuốc, vào hiệu thuốc hỏi mua thuốc kháng sinh Amox thì được chủ quầy thuốc bán ngay, thậm chí tôi thử hỏi mua cả nghìn viên chủ quầy cũng đồng ý bảo sẽ có người mang thuốc đến. Trong khi đó, ở nước ngoài, thuốc kháng sinh Amox không phải dễ dàng có thể mua được”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, có rất nhiều cha mẹ đưa con đi khám, khi bác sĩ hỏi đã cho con uống thuốc gì chưa thì “hồn nhiên” trả lời đã cho “uống tạm" thuốc kháng sinh. Đây là tâm lý cực kỳ nguy hiểm, thuốc kháng sinh không thể tùy tiện sử dụng mà cha mẹ có thể dễ dàng mua và cho uống mà không cần chỉ định. Nếu không tập trung cảnh báo và quản lý việc sử dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh thì rất nguy hiểm, dẫn đến gia tăng tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị.

Việc dễ dàng mua, sử dụng thuốc của người dân và sự tùy tiện kê đơn thuốc của các dược sĩ tại các quầy thuốc là nguyên nhân của tình trạng sử dụng thuốc tràn lan hiện nay. Đây là tình trạng đáng báo động, hậu quả của nó chính là sức khỏe của người dân bởi thuốc tây vốn là “con dao hai lưỡi”, thuốc để chữa bệnh nhưng nếu dùng không đúng cũng dễ dàng cướp đi cơ hội chữa bệnh của bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TW cho biết, hiện khu vực châu Á có khoảng 5 triệu người có nguy cơ tử vong do kháng kháng sinh. Trong đó Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng thuốc gia tăng nhanh. Ba yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề kháng kháng sinh đó là người kê đơn- bác sỹ, ngưới sử dụng thuốc- người bệnh và người bán thuốc. Tại tuyến trung ương, các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, các bác sỹ thiếu thời gian đánh giá tình trạng người bệnh, người bệnh luôn kỳ vọng được sử dụng thuốc khi lên tuyến trên, bác sỹ cũng chịu tác động của trình dược viên, tuyến xã thì thiếu phương tiện chẩn đoán, xét nghiệm ….Trong khi đó, người bệnh sử dụng kháng sinh không hợp lý, hay tự ý chữa bệnh, người bán thuốc thì không tuân thủ quy định, bán theo yêu cầu của người bệnh và chạy theo lợi nhuận…

Liên quan tới tình trạng này Bộ Y tế cho biết, để kiểm soát vấn nạn mua bán, sử dụng thuốc kê đơn tràn lan, Bộ đã có nhiều văn bản quy định về kê đơn và bán thuốc kê đơn; đăc biệt là "Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020". Trong đó quy định rõ, hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên dù đã quy định nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa nghiêm. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc quá lớn, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000- 500.000 đồng.

Theo các chuyên gia, với mức phạt thấp như trên, lại khó có thể thanh kiểm tra thường xuyên khiến nhiều cơ sở bán lẻ thuốc vì lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục vi phạm. Cần có những biện pháp xử phạt thật mạnh tay mới có thể răn đe. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong việc mua bán, sử dụng thuốc cũng vô cùng quan trọng. Cần tăng cường công tác truyền thông đến người dân và các cơ sở y tế nhằm nâng cao nhận thức về việc mua thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở cung ứng thuốc, đảm bảo việc bán thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang