Từ vụ kẹo rau củ Kera đến làm giả gần 600 loại sữa cho trẻ sinh non: Lương tâm con người ở đâu?

(VietQ.vn) - Mới ngày 4/4 nghe tin Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ làm giả kẹo rau củ Kera, tối 12/4, báo đài thông tin về vụ việc Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Tôi thấy thực sự sợ hãi!
Quảng cáo sữa Gercumax Gold không đúng công dụng, chất lượng cấp phép
Sữa giảm cân ORGALITA quảng cáo như ‘thần dược’ giảm cân, lừa dối người dùng
Quang Linh Vlogs và các đối tượng liên quan bị bắt do có dấu hiệu tội phạm sản xuất kẹo rau Kera là hàng giả, lừa dối người tiêu dùng.
Trước tiên hãy nói về vụ việc của Quang Linh Vlogs. Chính tôi cũng là một fan theo dõi kênh youtube Quang Linh Vlogs từ thời điểm Quang Linh bên Angola, giúp đỡ người dân châu Phi với những việc làm ý nghĩa. Sau này Quang Linh được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam khiến hình ảnh càng trở nên gần gũi, niềm tin của các fan dành cho Quang Linh trở nên mạnh mẽ và có căn cứ.
Thế nhưng, không lâu sau, tại buổi họp báo ngày 4/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an thông báo việc xác định các bị can có dấu hiệu tội phạm sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng, trong đó có Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du mục), đồng thời tiếp tục điều tra đối với Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên. Thông tin này như một gáo nước lạnh dội vào niềm tin của người hâm mộ.
Đáng nói, trong các chương trình quảng cáo, bộ ba Quang Linh, Hằng Du Mục và Thùy Tiên đều nhấn mạnh sản phẩm kẹo rau Kera giúp trị táo bón, khiến người dùng càng thêm tin tưởng. Nhưng thực chất “kẻ ẩn mình” trong từng viên kẹo chẳng phải chất xơ mà lại là Sorbitol - thành phần chính của một số loại thuốc giúp nhuận tràng, sử dụng nhiều có nguy cơ gây rối loại tiêu hóa. Đặc biệt, kẹo rau Kera còn được quảng cáo dùng cho cả trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ.
Từ “nổi tiếng” đến “tai tiếng” quả là lằn ranh đỏ mong manh, mà tôi cho rằng mong manh là vì sức hút của đồng tiền. Có những nghệ sỹ chia sẻ, họ không nhận quảng cáo không phải vì không thích tiền, mà vì chưa từng sử dụng sản phẩm, nếu nhận quảng cáo tất nhiên phải nói hay trong khi không rõ tốt xấu thì đó chính là dối trá. Bởi vậy, đến giờ tôi vẫn luôn khâm phục những người đứng trước đồng tiền mà không đánh mất mình.
Vụ hàng giả của Quang Linh Vlogs chưa ngã ngũ thì tối ngày 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tiếp tục công bố thông tin triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả trên địa bàn TP.Hà Nội. Các con số “từ năm 2021”, “làm giả 573 nhãn hiệu sữa các loại”, “dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai”,… đủ khiến cho người ta giật mình thảng thốt!
Cơ quan điều tra làm việc với Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty Rance Pharma – một công ty do nhóm đối tượng lập ra trong hệ sinh thái hàng loạt công ty nhằm mục đích tiếp tay cho vi phạm sản xuất sữa giả - Ảnh: Báo Công An Nhân Dân
Khi đọc được thông tin này, trong đầu tôi hiện ngay lên hình ảnh vài năm trước khi chúng tôi đi quay và viết bài tại Bệnh viện Việt Đức. Thời điểm ấy, chúng tôi vào Khoa Thận lọc máu, được gặp gỡ nhiều bệnh nhân là các em nhỏ bị suy thận hoặc đang chạy thận. Có một em tên Phương Mai, quê tại Yên Bái phát hiện bị thận từ năm lớp 5 khi trên ngón tay nổi lên các u cục, đến khi đi khám đã là giai đoạn cuối. Vậy là gác lại sách vở, xa bạn bè, trường lớp, thầy cô, em xuống bệnh viện để tiện cho việc lọc máu và truyền hóa chất 12 tiếng/ tuần.
Một lần khác tôi có dịp đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội làm việc và gặp nhiều trường hợp các em bé thiếu tháng sinh non, các bà mẹ “chiến đấu” với bạo bệnh để có con và sinh con. Tôi trò chuyện với một bà mẹ 24 tuổi sinh con khi mới 32 tuần tuổi. Nguyên nhân do cổ tử cung của mẹ bị ngắn, các bác sĩ đã dùng mọi biện pháp để kéo dài thai kỳ sao cho em bé được nuôi dưỡng trong bụng mẹ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau nên em bé buộc phải ra đời trong tuần tuổi ấy cũng là sự nỗ lực rất lớn, vì thời điểm thích hợp thông thường để sinh em bé là 40 tuần.
Tôi nghĩ về hai câu chuyện này là có nguyên do, bởi trẻ sinh non, phụ nữ mang thai và bệnh nhân suy thận đều là những đối tượng cần có sự quan tâm và điều trị đặc biệt. Riêng với trẻ sinh non và trẻ sơ sinh nói chung, nếu như nguồn sữa mẹ không đủ nuôi con thì buộc phải dùng sữa ngoài. Thử suy ngẫm, với việc làm giả sữa từ năm 2021 với hơn 573 nhãn hiệu sữa khác nhau thì ai dám khẳng định rằng không có đứa trẻ sinh non nào, không có bà mẹ sau sinh nào không mua phải sữa giả của các đối tượng trong vụ việc trên? Hậu quả của những hành động tàn độc này chính là sức khỏe và tính mạng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trẻ em và bà mẹ sử dụng sữa giả.
Vậy giải pháp cần làm là gì? Một thực tế là nhiều hành vi sai trái nhưng mức phạt lại chưa đủ sức răn đe dẫn đến xảy ra tình trạng tái vi phạm, đóng phạt xong lại tiếp tục vi phạm vì tiền đóng vi phạm như “hạt cát” so với lợi nhuận khủng. Còn nhớ thời điểm ban hành Nghị định 168 xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khi mức phạt tăng cao gấp nhiều lần khiến người dân phải “rén” vì nghĩ đến số tiền phạt lơ lửng trên đầu. Vụ việc này cũng có nét tương tự, do vậy xử phạt thích đáng cả về hành chính cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự là điều mà mọi người dân đều mong mỏi, cũng là củng cố chắc chắn hơn niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền.
Hoàng Bách