Từ vụ trao nhầm con: Vì sao kết quả xét nghiệm ADN không đủ pháp lý?

author 15:03 13/07/2018

(VietQ.vn) - Liên quan đến việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì trao nhầm con, PV Chất lượng Việt Nam đã tìm hiểu vì sao: “Kết quả xét nghiệm ADN hiện nay chỉ là một văn bản thông báo, nếu xét về luật thì không đủ pháp lý”.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Thưởng - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì xác nhận, đã nhận được đơn của anh Phùng Giang Sơn gửi đến đề nghị giải quyết sự việc trao nhầm con diễn ra ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cách đây 6 năm.

Về phía Tòa án nhân dân huyện Ba Vì, theo ông Thưởng, tòa án vẫn luôn mong các bên có thể hòa giải với nhau, tránh kiện tụng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và các cháu. Còn nếu nhất quyết phải đưa ra tòa thì tòa án sẽ làm đúng theo quy định pháp luật.

Bệnh viện Đa khoa Ba Vì trao nhầm con. Ảnh ST

Bệnh viện Đa khoa Ba Vì trao nhầm con. Ảnh ST

Cũng theo ông Thưởng, thời điểm hiện tại, tòa cũng vẫn chưa thể xử lý sự việc này vì còn một số vấn đề pháp lý vướng mắc.

Cụ thể, trước đây, hai vợ chồng chị Vũ Thị H. đã ly hôn, trong quyết định tòa án ghi rất rõ cháu Nhật M. là con chung của vợ chồng chị.

Cho nên, muốn đưa sự việc này ra tòa giải quyết, tòa án phải kiến nghị lên Tòa án cấp cao Hà Nội tái thẩm lại, bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn. Như vậy mới có thể xét xử và trao con về đúng với bố mẹ các cháu.

Một vấn đề nữa, mà ông Thưởng đó là: Kết quả xét nghiệm ADN hiện nay chỉ là một văn bản thông báo, nếu xét về luật thì không đủ pháp lý. Vì thế, đơn vị xét nghiệm phải đưa ra kết luận khẳng định kết quả này là đúng. Như vậy, tòa án mới có căn cứ để xử lý. Thông tin này đã khiến dư luận tranh cãi và nhiều người cảm thấy thấy khó hiểu.

Theo luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý (Hà Nội), thông tin của ông Thưởng về kết quả xét nghiệm ADN hiện nay chỉ là một văn bản thông báo, nếu xét về luật thì không đủ pháp lý là hoàn toàn chính xác. 

Liên quan đến việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì sẽ phải bồi thường cho hai gia đình những tổn thất về kinh tế, tâm lý, tình cảm suốt 6 năm, luật sư Kiên cho rằng, việc bồi thường trước hết do các bên tự thỏa thuận, nếu ko thỏa thuận được thì tòa sẽ căn cứ vào các chứng cứ do đương sự cung cấp để tuyên mức bồi thường theo đúng pháp luật.

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam, PGS, TS Hoàng Mạnh Hùng - Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cho rằng, giá trị pháp lý của gen là 1 tiến bộ khoa học kỹ thuật, trước đây xét nghiệm máu, hiện nay được thực hiện bằng xét nghiệm gen. Kết quả giám định đã chính xác cá thể từ vài trăm triệu lên đến 1 tỷ mới có 1 trường hợp lặp lại. Vì thế PGS, TS Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, cả thế giới công nhận tính pháp lý của nó, Việt Nam cũng theo các thành quả nhân loại của thế giới.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PV đã liên hệ với cơ quan Giám định sinh học pháp lý của Bộ Công an và được biết, để kết quả giám định ADN có tính pháp lý thì cơ quan tòa án phải có ý kiến trưng cầu giám định và xác nhận kết quả. Trong trường hợp cần thiết nếu có yêu cầu của bên thứ 3 (cơ quan tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền) giám định có thể được thực hiện lại để đảm bảo tính khách quan. Còn trong trường hợp việc giám định được thực hiện với yêu cầu của cá nhân thì kết quả giám định đó chỉ mang tính tham khảo.

Hồng Anh

Hoàng Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang