Tuân thủ những khuyến nghị ATTT - Tấm lá chắn giúp doanh nghiệp tránh khỏi những cuộc tấn công

author 12:25 24/11/2023

(VietQ.vn) - Những cuộc tấn công mạng có thể ảnh hưởng đến quá trình vận hành, sản xuất, gây lộ lọt thông tin của doanh nghiệp. Tuân thủ 5 khuyến nghị An toàn thông tin (ATTT) là tấm lá chắn bảo vệ doanh nghiệp khỏi những cuộc tấn công.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Theo ông Lê Quang Minh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong năm 2022, các vụ tấn công mạng đã gây tổn thất lên đến 21.000 tỷ đồng, tương đương 830 triệu USD, đặt Việt Nam vào danh sách "điểm đến ưa thích" của tin tặc trên toàn cầu.

Không nằm ngoài những cuộc tấn công mạng, nhiều doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Trong 1 năm qua, có khoảng 5 doanh nghiệp Việt Nam bị tấn công và dữ liệu bị đánh cắp. Đáng chú ý, 2 trong số những vụ tấn công này xuất phát từ bên trong doanh nghiệp, gây tổn thất nặng nề về mặt tài chính và uy tín thương hiệu.

Trước thực trạng này, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đã đưa ra 5 khuyến nghị quan trọng nhằm bảo vệ an ninh mạng, cụ thể

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin và truyền thông

Tuân thủ pháp luật: Bảo đảm ATTT mạng vừa là bảo vệ doanh, nhưng nó là trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân.

Đầu tư hiệu quả: Việc đầu tư cho ATTT mạng cần chú trọng phát huy hiệu quả. Chúng ta có thể đầu tư hệ thống bảo vệ rất hoành tráng, nhưng nếu không phát hiện, ngăn chặn được tấn công mạng thì là không hiệu quả, là lãng phí. Trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, cân đối được giữa chi phí và hiệu quả là vấn đề rất khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia, các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng có thể giúp xử lý vấn đề này.

Thực hiện “đúng cách”: Chú trọng giải quyết những nguy cơ tiềm tàng hoặc đã nằm sẵn trong hệ thống thông tin (HTTT) là ưu tiên hàng đầu.

Đảm bảo yếu tố “tổng thể”: Cho dù HTTT của tổ chức đã được triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm ATTT nhưng như vậy là chưa đủ. Nguyên nhân là do tất nhiều hệ thống bị chiếm quyền điều khiển không phải xuất phát từ các cuộc tấn công mạng trực diện vào hệ thống mà đi theo đường vòng. Trong một tổ chức, các cá nhân, nhất là cá nhân không có nền tảng kỹ thuật là điểm yếu rất lớn về ATTT. Họ dễ bị tấn công mạng, để từ đó tấn công leo thang đến các cá nhân khác, đến HTTT của tổ chức.

Ưu tiên sử dụng sản phẩm “Make in Vietnam”: Thực tiễn đã chứng minh Việt Nam có chuyên gia giỏi. Doanh nghiệp Việt có đầy đủ sản phẩm, giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu của tổ chức, công ty và người dân.

Doanh nghiệp ATTT trong nước có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu bảo mật. Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp ATTT trong nước có lợi thế am hiểu về thị trường vì vậy sẽ nhanh chóng giải quyết mọi vấn đề, đưa từng bài toán cụ thể phù hợp với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp tạo ra các giải pháp linh hoạt mà còn có thể sử dụng những đòn bẩy chiến lược, xây dựng nền móng vững chắc và bảo vệ những thành quả đạt được, đưa doanh nghiệp vươn xa ra toàn cầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ATTT tại Việt Nam hưởng lợi từ đội ngũ chuyên gia Việt Nam, luôn sẵn sàng hỗ trợ và ứng cứu sự cố một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Đặc biệt, những chuyên gia Việt có năng lực và chuyên môn đạt tiêu chuẩn quốc tế trở thành tấm khiên vững chắc bảo vệ doanh Nghiệp khỏi những rủi ro, làm cho hệ thống cơ sở dữ liệu trở nên an toàn và mạnh mẽ hơn.

“Tôi tin tưởng rằng khi đã xác định đúng đắn định hướng đầu tư ATTT cho tương lai số, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng đạt được những thành tựu to lớn, giúp xây dựng niềm tin số trên không gian mạng. Từ đó thúc đẩy kinh doanh, làm nền tảng vững chắc để chính phủ số, kinh tế số và xã hội số phát triển bùng nổ mạnh mẽ”, ông Khoa cho biết thêm.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang