Từng bước mở cửa lại nền kinh tế: Cần thận trọng và có cơ sở khoa học

author 06:35 20/09/2021

(VietQ.vn) - Giới chuyên gia cho rằng, dù dịch bệnh chưa chấm dứt được hoàn toàn nhưng cần quyết tâm mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng, có cơ sở khoa học, đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Trải qua 4 đợt sóng dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp cho biết đã rơi vào tình trạng kiệt quệ, thậm chí đóng cửa. Theo Báo cáo của Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây chỉ ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra trong nhiều ngành sản xuất. Đó là chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc, thiết bị,… đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… Đặc biệt, chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện, điện tử, ôtô…) bị ảnh hưởng về đáp ứng điều kiện lao động.

Chuỗi cung ứng các mặt hàng nông, thủy sản bị đứt gãy do lao động chịu cách ly, giãn cách, đình trệ lưu thông. Nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch nhưng không có đầu ra và khó vận chuyển. Riêng chuỗi cung ứng hàng dệt may lại đứt gãy do thiếu lao động; điều kiện sản xuất theo quy định “3 tại chỗ” hay “một cung đường, hai điểm đến” cũng chưa phù hợp với tất cả các địa phương khác nhau và bối cảnh giãn cách xã hội tăng cường. Hệ quả của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng trên không chỉ là khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo áp lực lớn cho công tác bảo đảm an sinh xã hội khi tỷ lệ lao động nghỉ việc, giãn việc ngày càng tăng.

Nhiều doanh nghiệp và người lao động mong đợi việc mở cửa cho sản xuất kinh doanh trở lại. Ảnh minh họa

Trước những khó khăn trên, giới chuyên gia nhận định, hiện nay, doanh nghiệp và người lao động mong đợi việc mở cửa cho sản xuất kinh doanh trở lại hơn bao giờ hết vì không thể chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước do ngân sách hạn hẹp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng ý thức được việc mở cửa cần thực hiện thận trọng theo lộ trình tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine. Chính vì vậy, động thái đổi mới về tư duy phòng chống dịch của lãnh đạo Việt Nam, xác định quan điểm sống chung với dịch bệnh chính là điểm then chốt nhằm tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi.

Theo Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ–ASEAN (USABC) Vũ Tú Thành, cần quyết tâm mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng, có cơ sở khoa học, dù chưa chấm dứt được hoàn toàn sự lây lan dịch bệnh. Điều này là hoàn toàn nhất quán với chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” trong chiến lược kiểm soát dịch của Việt Nam. Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến ở các nước khác khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, việc mở cửa trở lại nền kinh tế không chỉ là câu chuyện “tháo giãn cách” mà còn hàng loạt vấn đề tiếp theo cần quan tâm. Cụ thể như hàng hoá và tiền được ví như thức ăn và dòng máu của doanh nghiệp, cả hai yếu tố này bị nghẽn thì doanh nghiệp không thể sống được. Do đó, lưu thông hàng hoá phải được thông suốt bằng việc mở cửa trở lại tại các vùng dịch đã tăng cường được năng lực kiểm soát và nâng cao tỷ lệ người dân được tiêm chủng. Thậm chí chỉ một thời gian ngắn nữa, sau khi thị trường mở ra, tình trạng “đói vốn” có thể sẽ bùng lên trong khi doanh nghiệp rất khó đủ điều kiện tiếp cận vốn vay mới.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.

Đến hết năm 2021 phấn đấu luỹ kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang