Từng bước nâng cao nhận thức của sinh viên về vấn đề năng suất chất lượng

author 06:51 24/05/2023

(VietQ.vn) - Việc áp dụng năng suất chất lượng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học... là nội dung cần được quan tâm, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện đại, khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng quyết định sự gia tăng năng suất của mọi quốc gia. Khoa học công nghệ là yếu tố không bị giới hạn như đất đai, tài nguyên, không bị hạn chế về số lượng như nguồn vốn, lao động, có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Tại Việt Nam, chúng ta đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh. Vì vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ, năng suất chất lượng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học... luôn là nội dung cần được quan tâm, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và tránh nguy cơ lạc hậu.

TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL chia sẻ tại buổi tọa đàm về năng suất chất lượng tại Học viện Báo chí và tuyên truyền.  

Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý để nâng cao năng suất cho doanh nghiệp và đã đạt được rất nhiều kết quả đáng khích lệ. Ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 36/QĐ-TTg ban hành kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có mục tiêu đến năm 2025 hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 10 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần gắn kết hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động năng suất, kinh doanh của doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã phối hợp với nhiều trường đại học, cao đẳng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam tổ chức các chương trình tọa đàm về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất chất lượng trong các trường đại học nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về năng suất chất lượng và triển khai hiệu quả hơn nữa trong thực tế.

Tại chương trình tọa đàm về năng suất tại Học viện Báo chí và tuyên truyền, TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh, sinh viên là đối tượng chính của các buổi tọa đàm và mục đích của tọa đàm là đưa các thông tin, kiến thức, mang “tình yêu” năng suất, chất lượng đến với sinh viên.

“Đích đến cuối cùng của chúng tôi là mong muốn các bạn sinh viên có được nhận thức về vấn đề năng suất chất lượng, giúp các bạn có thêm năng lực giúp công việc tốt hơn, nhiều kỹ năng hơn, thậm chí có thể trở thành những người định hướng cho lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức về vấn đề năng suất”.

Hay chương trình tọa đàm tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội chia sẻ rằng: “Tham dự tọa đàm giúp sinh viên tiếp cận những định hướng nâng cao năng suất theo quan điểm hiện đại, công cụ cũng chính là tiền đề cho sinh viên tiếp tục học tập, nghiên cứu trong trường và khi ra trường sẽ có hành trang về cải thiện năng suất, những kiến thức, năng lực giúp sinh viên cải thiện cuộc sống của chính mình, cải thiện năng suất doanh nghiệp, năng lực quốc gia”.

Về phía sinh viên, các bạn đều hưởng ứng rất nhiệt tình và sôi nổi với nhiều câu hỏi đặt ra cho các chuyên gia Tổng cục TCĐLCL như: Vì sao doanh nghiệp phải áp dụng các hệ thống quản lý để nâng cao năng suất? Doanh nghiệp nào áp dụng công cụ, hệ thống quản lý nâng cao năng suất thành công? Giải pháp nào để nâng cao năng suất tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng? Năng suất và đổi mới sáng tạo có giúp Việt nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình không? Năng suất lao động của Việt Nam đang xếp ở vị trí nào trên thế giới? Mục tiêu của nước ta trong giai đoạn tới là gì? Cơ hội việc làm cho người làm truyền thông trong lĩnh vực năng suất là gì? Khi nào đề xuất một chuyên ngành riêng về nâng cao, áp dụng năng suất?...

Thời gian tới, nhiều trường đã có kế hoạch đưa năng suất chất lượng vào môn học của trường như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Tài chính, Đại học kinh tế Huế, Đại học Bách Khoa TP.HCM,… để đào tạo kiến thức, nâng cao nhận thức cho sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để sinh viên có đủ hành trang áp dụng vào thực tiễn tại các cơ quan, doanh nghiệp…

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang