Tượng Quý Mão 2023 được chế tác điêu luyện qua bàn tay của những nghệ nhân Việt Nam

author 17:12 06/01/2023

(VietQ.vn) - Xuân Quý Mão đang đến gần, những sản phẩm tượng mèo được chế tác thủ công từ những nghệ nhân lành nghề đang được quan tâm và săn đón rất nhiều trên thị trường hiện nay.

Năm 2023 được coi thời điểm “cai quản” của mèo theo lịch Can Chi 12 con giáp. Vì vậy, nhiều người tiêu dùng tin rằng việc sở hữu tượng có hình mèo trong nhà sẽ giúp cho họ được bảo hộ suốt cả năm, mang lại bình an, cát tường, thịnh vượng. Những món quà tặng từ tượng mèo không chỉ được dùng như một vật phẩm phong thủy, mà là nơi gửi gắm những lời chúc phúc tốt đẹp, tới người được nhận trước thềm năm mới. Theo quan niệm dân gian từ xưa tới nay, mỗi loại tượng mèo sẽ mang một ý nghĩa khác nhau. 

Tượng mèo gốm

Trong những ngày cận Tết Nguyên Đán 2023, tại làng gốm hơn 500 tuổi tại làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam) lại tất bật chuẩn bị đất sét, lò nung, nhào nặn hàng trăm tượng linh vật mèo để kịp cung ứng ra thị trường. Anh Lê Văn Nhật (34 tuổi, phường Thanh Hà) truyền nhân đời thứ 3 giữ gìn nghề gốm đất nung truyền thống của gia đình cho biết, bản thân anh phải trải qua quá trình tôi luyện trong suốt suốt nhiều năm để tạo ra những sản phẩm tượng mèo hoàn thiện như hiện tại. 

 Những chú mèo được nghệ nhân tại làng gốm Thanh Hà chế tác.

Nguyên liệu làm tượng được lấy từ đất sét, sau đó nhào nặn thành từng phần hình khối đơn giản với phần bên trong để rỗng, sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng đẽo gọt tạo hình. Phần khó nhất của bức tượng thường nằm ở khuôn mặt. Những bộ phận như mắt, mũi, tai… phải được liên kết với nhau một cách hài hòa, tạo nên phần hồn đầy thần thái cho sản phẩm. Ngoài ra bộ lông bao quanh chú mèo cũng được đéo gọt đầy tỉ mỉ, để tạo cảm giác mềm mại, mượt mà. Sau đó, phải phơi tượng mèo cho khô trong vòng 5 -6 ngày (nếu thời tiết nắng ráo), rồi mang đi nung trong lò ở >1000 độ C suốt 12 giờ đồng hồ. Ngoài ra, độ hao hụt rất cao vì phải thử nghiệm rất nhiều lần mới cho ra được thành phẩm. Tượng mèo bằng gốm, sứ trong văn hóa Việt Nam truyền thống còn là nơi gửi gắm ý nghĩa tâm linh về thuyết Thiên - Địa - Nhân như: Nguyên liệu được lấy trực tiếp từ đất, sẽ có Địa Khí, sau khi qua bàn tay của người nghệ nhân chế tác, nung nấu sẽ sở hữu thêm Nhân khí, sản phẩm hoàn thiện phải phơi ngoài trời trong nhiều canh giờ thu hút được Thiên khí. Khi hội tụ đủ ba yếu tố như vậy sẽ giúp cho người sở hữu nó được bình an, may mắn và thuận lợi trong năm mới.

Không chỉ người dân Việt Nam mà khách du lịch quốc tế cũng rất hứng thú với những sản phẩm tượng mèo được làm thủ công từ những nghệ nhân làng gốm.

Tượng mèo đồng

Theo quan niệm xưa, những chú mèo được làm bằng đồng sau đó được phủ một lớp mạ vàng lên người được gọi là Kim Mão, có tác dụng thu hút chiêu tài, hút lộc trong công việc. Nhiều người cho rằng việc lựa chọn chất liệu đồng để đúc ra tượng mèo sẽ phát huy được linh khí mạnh mẽ hơn những vật phẩm được làm từ đá, gỗ,... Để cho ra đời một sản phẩm kim mão hoàn chỉnh phải trải qua tới rất nhiều công đoạn như: thiết kế kiểu dáng, tạo mẫu sáp, tạo khuôn, đúc tượng, làm nguội, xử lý bề mặt, đúc đồng, mạ vàng, sấy khô và bảo vệ bề mặt. Khâu nào cũng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của các nghệ nhân, chỉ cần sai sót một bước nhỏ cũng có thể phải làm lại từ đầu. Trong những công đoạn trên, việc tạo mẫu và chọn dáng, thế của mèo là khó hơn cả. Vì khi thiết kế trên máy, hoặc mẫu sáp có thể dễ phân biệt sự khác nhau giữa mèo và hổ. Nhưng khi đúc xong, giai đoạn xử lý bề mặt khá khó khăn. Vì hình dáng của mèo có nhiều điểm tương đồng với hổ, nên người thợ làm nguội không có tay nghề cao, khi thi công sẽ làm biến dạng các đường nét, sắc của mèo.. sẽ khiến nhiều người nhìn bị giống hổ. Công đoạn cuối cùng là những chú tượng mèo được nhúng vào các bể vàng, trải qua 4-6 tiếng, bề mặt tượng được phủ một lớp vàng sáng bóng và đều

Việc tặng một món quà năm mới 2023 từ những chú mèo bằng đồng không chỉ mang lại ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà còn là lời chúc phúc tới người nhận sẽ đón một năm mới với công việc được thuận buồm xuôi gió, thăng quan tiến chức, tiền bạc dồi dào.

Tượng mèo sơn mài

Những chiếc tượng mèo được tạo ra từ chất liệu sơn mài được mệnh danh là “sản phẩm độc bản” bởi không có mặt hàng nào trùng lặp với nhau. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tại làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) mỗi dịp Tết Nguyên đán lại cho ra mắt những bộ sưu tập thể theo các con giáp với nhiều hình thái vô cùng độc đáo và bắt mắt. Năm Qúy Mão 2023, tính đến giữa tháng 12/2022, anh Phát đã hoàn thiện khoảng 1.300 sản phẩm tượng mèo sơn mài để chào đón năm mới. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã kết hợp các thế mạnh của hội họa trong lĩnh vực tạo hình và đôi tay tài hoa làm chủ chất liệu để cho “ra đời” những sản phẩm mèo độc bản, không theo khuôn mẫu có sẵn nhằm tôn vinh khả năng sáng tạo của một họa sĩ khi quyết tâm sáng tạo 2.023 mẫu mèo độc bản, không con nào giống con nào.

Tạo hình đơn sơ ban đầu của những chú mèo được làm cốt từ gỗ, sau đó được người nghệ nhân thổi hồn bằng chất liệu sơn mài truyền thống. Mỗi sản phẩm đều phải trải qua hàng chục công đoạn từ việc lên ý tưởng, sau đó đục đẽo để tạo dáng cho khối gỗ, rồi phủ lên rất nhiều lớp sơn, xong xuôi sẽ mang đi phơi khô, đánh bóng, khảm trứng, khảm trai, vẽ tạo tác… thường mất đến gần tháng trời mới xong. Công đoạn nặng nhọc nhất thuộc về quá trình điêu khắc và tỉ mỉ nhất thuộc về việc sơn mài. Những sản phẩm điêu khắc sơn mài hình mèo không chỉ được dùng để làm mặt hàng trang trí, trưng bày, mà còn có tính ứng dụng cao có công năng sử dụng như: Làm ghế ngồi, đèn ngủ, khay đựng trà,…Đưa sơn mài lên trên những sản phẩm có tính ứng dụng khó hơn rất nhiều so với khi làm trên bề mặt tranh phẳng. Các tượng gỗ có bề mặt cao thấp, lồi lõm khác nhau ít nhiều sẽ khiến quá trình sơn mài bị cản trở. Vậy nên nếu người nghệ sĩ làm không khéo thì khi mài sẽ dễ bị chạm đến phần cốt của sản phẩm. Để thành công đưa được sơn mài lên chất liệu gỗ điêu khắc hoàn chỉnh, cần sự kiên trì bền bỉ, cùng tài năng và tâm huyết của người nghệ nhân. Những sản phẩm tượng mèo được chế tạo bằng chất liệu sơn mài không chỉ chứa đựng vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn mang hơi thở của nét đẹp văn hóa Việt Nam cần được lưu truyền và trân trọng.

Khánh Mai (t/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang