Tuyên Quang: Thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh

author 06:46 21/03/2022

(VietQ.vn) - UBND tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND về việc Phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Theo đó, phát triển doanh nghiệp công nghệ số phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển đô thị thông minh, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tập trung vào 03 mục tiêu chính, đó là: Thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng thành quả của Cuộc cách mạng lần thứ tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Tập trung phát triển 04 (bốn) loại doanh nghiệp công nghệ số (Doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số); Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiêp công nghệ số trong các ngành nghề, lĩnh vực. Góp phần triển khai hiệu quả Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, đô thị thông minh, ứng dụng thành tựu công nghệ số, đưa sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam” giải quyết các bài toán trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

 Ảnh minh họa.

Mục tiêu đến năm 2025 của kế hoạch là định hướng, hỗ trợ tối thiểu 01 doanh nghiệp số phát triển trọng điểm của tỉnh. Có từ 02 doanh nghiệp công nghệ số trở lên trong các ngành, nghề, lĩnh vực: Phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, đô thị thông minh phục vụ hiệu quả các cơ quan, tổ chức và người dân, góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh có từ 05 doanh nghiệp công nghệ số trở lên đáp ứng yêu cầu hỗ trợ xây dựng đô thị thông minh, Chính quyền số, phát triển kinh tế số, ứng dụng công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Kế hoạch đề ra 07 nhiệm vụ giải pháp: Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương; Phát triển hạ tầng số; Phát triển sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam”; Phát triển nhân lực công nghệ số; Phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương; Kinh phí thực hiện.

UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp hướng dẫn triển khai Kế hoạch này, thường xuyên rà soát kết quả thực hiện, đề xuất cập nhật, điều chỉnh nội dung thực hiện cho phù hợp với thực tế tình hình triển khai; tổng hợp, điều phối, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh: Chủ động nắm bắt cơ hội, triển khai các giải pháp thiết thực thúc đẩy tăng truởng kinh tế tại địa phương; nâng cao năng suất, chất luợng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; đẩy mạnh chuyển đổi thông tin số; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi truờng sinh thái gắn với thực hiện các khâu, nhiệm vụ đột phá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Vận dụng phù hợp các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân tại địa phương tham gia quá trình chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế số, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp, ... dựa trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng Internet;… Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phát triển doanh nghiệp công nghệ số; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ số tham gia trưng bày, giới thiệu giải pháp “Make in Viet Nam” trong các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư tại địa phương, tạo sự đồng thuận, quan tâm của xã hội đối với doanh nghiệp công nghệ số; truyền thông, quảng bá, hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam”, ưu tiên quảng bá, sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 Hoàng Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang