Báo động tỷ lệ ngộ độc do thuốc, hóa chất và chất gây nghiện ngày càng trẻ hóa

author 07:04 02/03/2024

(VietQ.vn) - Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay số bệnh nhân ngộ độc trung bình hàng năm không ngừng gia tăng. Điển hình là ngộ độc hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, ngộ độc do rượu...

Ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 10 năm từ 2010 đến 2020 bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 14.294 bệnh nhân bị nhiễm độc cấp. Số lượng bệnh nhân nặng cần hồi sức cấp cứu tích cực với các biện pháp thở máu, lọc máu…chiếm khoảng 50% trường hợp, tỉ lệ chữa khỏi bệnh vẫn đạt trên 95,8%. Tuy nhiên, hiện nay số bệnh nhân ngộ độc trung bình hằng năm không ngừng gia tăng. Nếu từ 10 năm trước thì chỉ có 800 - 1.000 bệnh nhân/năm, đến nay số lượng bệnh tăng lên đến 1.500 - 2.000 bệnh nhân/năm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong. Trong đó, nhóm ngộ độc do các loại hóa chất (thuốc tân dược và thuốc bảo vệ thực vật) ngày càng tăng. Đặc biệt xuất hiện các loại ngộ độc hiếm gặp (ngộ độc botulinum, ngộ độc khế…) từ các sản phẩm chứa nhiều loại độc chất (cypermethrin + phốt pho hữu cơ…) làm thay đổi triệu chứng lâm sàng, hay độc chất mới (ngộ độc thuốc Glufosinate ammonium…) chưa có phác đồ điều trị chuẩn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, gần đây Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc hóa chất do tiếp xúc qua da hoặc đường uống. Những ca ngộ độc này chủ yếu là những hóa chất có nguồn gốc nước ngoài, bên ngoài không có tiếng Việt mà hầu hết là tiếng Nhật, Trung, Hàn. Thậm chí khi dịch ra tiếng Việt, các bác sĩ vẫn không rõ bên trong hóa chất này chính xác chứa chất gì để có phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Mới đây, nam bệnh nhân N.V.S. (51 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi uống hóa chất có nhãn dán tẩy xi măng, vôi, cặn bề mặt trong xây dựng. Ông S. bị tổn thương nặng dạ dày, thực quản bị hoại tử. Người nhà mang can hóa chất này lên nhưng trên bao bì đều không có bất kỳ thông tin gì về thành phần hóa chất, khiến việc xác định chất gây ngộ độc ban đầu khó khăn", bác sĩ Nguyên nói.

Hay mới đây một bệnh nhi 3 tuổi (trú tỉnh Quảng Ninh) cấp cứu tại Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng bỏng toàn bộ kết mạc, giác mạc do hóa chất tẩy rửa. Theo lời kể của người nhà, trong lúc chơi đùa, người anh đã lấy chai tẩy rửa đa năng xịt vào mặt em. Kết mạc, giác mạc bên phải bỏng toàn bộ.

Tình trạng ngộ độc từ thuốc tân dược, hóa chất, rượu gia tăng trong những năm gần đây. Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ, đa số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc người lớn sử dụng các sản phẩm không an toàn. Những hóa chất ăn mòn này thường ở dạng chất rắn hoặc lỏng, là các chất tẩy rửa. Đáng nói, hiện nay nhiều người lựa chọn các loại hóa chất gia dụng là hàng 'xách tay' hoặc trôi nổi, sản phẩm không có thành phần, khuyến cáo hoặc chỉ có tiếng nước ngoài. Nhiều người sử dụng nhầm dẫn tới ngộ độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nói về tình trạng ngộ độc, TS Lê Quốc Hùng - Trưởng đơn vị hồi sức chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, các ngộ độc cấp thường gặp hiện nay nhất là ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chuột, ngộ độc thuốc tân dược và ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất...

Đối với ngộ độc do thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm, bệnh viện có khoảng 350 - 550 bệnh nhân ngộ độc cấp do thuốc bảo vệ thực vật, nam nhiều hơn nữ. Trong đó, điển hình thường gặp nhất là phốt pho hữu cơ và thuốc diệt cỏ. Tỉ lệ tử vong cao nhất thuộc nhóm ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat/diquat. Đây là loại cấm lưu hành tại Việt Nam từ năm 2019. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay đã có 5 trường hợp bị ngộ độc.

Theo bác sĩ Hùng, những loại thuốc diệt cỏ này thường được bày bán trên mạng và cần có sự kiểm soát. Nguy hiểm hơn, hiện nay còn xuất hiện nhiều loại ngộ độc cấp mới do có nhiều hoạt chất mới được đưa vào sử dụng.

Đối với ngộ độc thuốc tân dược thường gặp ở bệnh nhân nữ, còn trẻ. Trong đó, điển hình là ngộ độc paracetamol và thuốc hướng thần.

Đặc biệt, bác sĩ Hùng cho biết thêm, tỉ lệ nữ giới bị ngộ độc rượu và chất gây nghiện gia tăng theo thời gian. Ngộ độc rượu có xu hướng trẻ hóa. Đặc biệt, hiện nay tỉ lệ tử vong cao trong ngộ độc rượu là do tỉ lệ ngộ độc methanol tăng.

Về ngộ độc thuốc diệt chuột, dịp tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhi bị ngộ độc thuốc diệt chuột. Các bác sĩ cho biết dạng ngộ độc hóa chất này rất thường xảy ra ở trẻ em, cần được cảnh báo.

Các nguyên nhân gây ngộ độc hóa chất ở trẻ em thường gặp là do người lớn bất cẩn, để thuốc và hóa chất ở nơi không an toàn khiến trẻ ăn, uống nhầm. Đặc biệt, người lớn chủ quan khi tái sử dụng các chai lọ nước giải khát để đựng các hóa chất như dầu hỏa, cồn, rượu hay đựng các loại thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt chuột có vỏ bao bì giống các loại thuốc bé hay uống.

Những loại chai hóa chất nguy hiểm này lại không được cất hay khóa cẩn thận mà để ở những nơi dễ thấy, trong tầm tay với của trẻ chính là mối nguy hiểm tiềm tàng về ngộ độc thuốc, hóa chất cho trẻ. Trẻ nhỏ thường tò mò, thích khám phá nên rất dễ uống nhầm các loại hóa chất này.

Trường hợp phát hiện trẻ uống nhầm thuốc hoặc hóa chất độc hại, người lớn cần nhanh chóng đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất. Khi đi nhớ cầm theo loại thuốc hoặc hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc. Có thể sơ cứu ban đầu, nếu bị nhiễm độc qua da và niêm mạc thì tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất, rửa vùng cơ thể tiếp xúc với hóa chất dưới vòi nước sạch.

Trường hợp hóa chất dính vào mắt, cần rửa mắt bằng cách để mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý. Trường hợp bị nhiễm độc qua đường miệng, kê cao đầu hoặc giữ trẻ ở tư thế ngồi; nếu trẻ bất tỉnh thì cho nằm nghiêng bên trái. Điều này sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ bị sặc khi nôn ói, các chất trong dạ dày sẽ không trào lên thực quản, vào phổi gây nguy hiểm.

Trường hợp trẻ hôn mê, li bì, co giật, hoặc nghi ngờ uống phải các hóa chất có tính chất ăn mòn như axit, bazơ, xăng dầu… tuyệt đối không nên tìm cách gây nôn cho trẻ.

Để phòng ngừa ngộ độc hóa chất ở trẻ em, các gia đình cần tuyệt đối tuân thủ quy tắc an toàn trong lưu trữ các loại thuốc, hóa chất. Cất giữ ở khu vực riêng biệt, có khóa kín và tuyệt đối không dùng các loại chai lọ tái sử dụng dễ gây nhầm lẫn với nước uống hay thuốc bổ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang