Tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí nhiều hơn tai nạn giao thông, COVID-19

author 16:17 10/02/2025

(VietQ.vn) - Theo WHO, tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng ở mức đáng báo động tại Việt Nam. Theo đó 9 trong số 10 người đang hít thở không khí có chứa mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của WHO đã khuyến cáo.

Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hằng năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh lý, nhiễm trùng liên quan đến ô nhiễm không khí. Số người tử vong do ô nhiễm không khí cao hơn năm lần số người tử vong do tai nạn giao thông, và nhiều hơn số người tử vong chính thức do COVID-19.  

Theo UNEP, ô nhiễm không khí cũng liên quan chặt chẽ đến biến đổi khí hậu vì các chất gây ô nhiễm tồn tại trong thời gian ngắn như: metan, carbon đen và ozone mặt đất…Có 5 chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất trong môi trường không khí đó là: bụi mịn PM2.5, ozone mặt đất, nitơ dioxide, carbon đen, metan.

Các hạt bụi mịn PM2.5 sinh ra từ việc đốt nhiên liệu không sạch để nấu ăn hoặc sưởi ấm, đốt chất thải - phụ phẩm nông nghiệp, các hoạt động công nghiệp và giao thông vận tải... Lo ngại hơn khi các hạt PM2.5 xâm nhập sâu vào máu, phổi sẽ làm tăng nguy cơ tử vong cho bệnh tim, phổi, đột quỵ, ung thư. Bên cạnh đó việc tiếp xúc với ozone mặt đất gây ra ước tính 472.000 người tử vong sớm mỗi năm trên thế giới.

Tỷ lệ người tử vong do ô nhiễm không khí tại Việt Nam ngày càng báo động. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Việt Nam cho biết, mỗi năm Việt Nam có ít nhất 70.000 người tử vong vì ô nhiễm không khí, trung bình cứ mỗi 7,5 phút lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Riêng trong năm 2016 hơn 60.000 người tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.

Bà Angela Pratt nhấn mạnh thêm, con số 70.000 người tử vong là con số gần gấp đôi tổng số người tử vong ở Việt Nam trong suốt đại dịch COVID- 19. Vì vậy, chúng ta cần đối xử với ô nhiễm không khí như cách chúng ta đã đối xử với COVID-19 - coi đó như một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Theo bà Angela Pratt, để đáp ứng một cách hiệu quả với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đòi hỏi hành động ở các mức độ khác nhau. Trong ngắn hạn, chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ những người bị phơi nhiễm nhiều nhất và những người có nguy cơ nhất. Chúng ta cũng cần tăng cường nỗ lực trong trung và dài hạn, để giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân khiến người dân bị bệnh như nguồn từ nhiên liệu hóa thạch, giao thông, đốt rác và đốt rơm rạ sau mùa vụ.

Trong khi đó, nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Văn Phước (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) cùng các cộng sự công bố với nhiều con số đáng chú ý.

Cụ thể, theo nghiên cứu của WHO cũng cho thấy hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí. Trong tổng 1.397 ca tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017, số người tử vong do bệnh tim và phổi là cao nhất (841 người, chiếm 60,20%), đứng thứ hai là bệnh tim thiếu máu cục bộ (483 người, chiếm 34,57%) và cuối cùng là ung thư phổi (73 người, chiếm 5,23%). 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bụi mịn PM2.5 có ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khỏe, là nguyên nhân tử vong của 1.137 người (81,32%), sau đó đến NO2 (171 người, chiếm 12,31%) và cuối cùng là SO2 (88 người, chiếm 6,37%). Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong khoảng 13,46% số ca tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh

Theo Hệ thống quan trắc không khí IQAir, mới nhất vào sáng 10/2/2025, Hà Nội xếp thứ 4 trong danh sách 123 thành phố ô nhiễm trên thế giới của IQAir. Cụ thể, với chỉ số AQI ở mức 176, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ "không lành mạnh." Chi tiết tại Hà Nội, trạm đo ở quận Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI cao nhất, màu đỏ "không lành mạnh" ở mức 191. Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong nhóm có chất lượng không khí ở mức màu vàng "trung bình" với chỉ số AQI là 61, xếp thứ 77.

Còn theo ứng dụng được nghiên cứu và phát triển bởi Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Tổng Cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng (gọi tắt là VN Air), khu vực ô nhiễm nhất cả nước tính đến sáng 10/2 thuộc về thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) với chỉ số AQI ở mức 171 màu đỏ - "xấu."

Trước tình trạng trên, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.

Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cũng khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.

Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang