Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam tăng cao

author 19:15 23/08/2022

(VietQ.vn) - Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến đạt khoảng 345 triệu USD, chiếm 14-15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến đang được nâng lên đáng kể, chứng tỏ doanh nghiệp Việt không còn quá quan trọng đến số lượng mà đã quan tâm đến chất lượng và giá trị gia tăng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn, tương đương hơn 2,5 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 44% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, ngành cà phê kỳ vọng kết quả xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Như vậy sau 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đã hoàn thành được 62,5% kế hoạch. Theo đó, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến đạt khoảng 345 triệu USD, chiếm 14-15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê.

Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam đang được nâng lên đáng kể.

Giá một tấn cà phê chế biến đạt gần 3.600 USD trong khi cà phê nhân trên sàn khoảng 2.300-2.400 USD/tấn, chưa kể việc cà phê nhân phải chịu cảnh trừ lùi. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến đang được nâng lên đáng kể, điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt không còn quá quan trọng đến số lượng mà quan tâm đến chất lượng và giá trị gia tăng.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta. Trong Top 10 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã có 5 nước thuộc khối EU, chiếm 35,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, trong đó xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Anh ghi nhận tăng trưởng ba con số.

Ngoài yếu tố cung-cầu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đóng góp không nhỏ giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU. Bất chấp lạm phát chạm đỉnh 20 năm, xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt do cà phê là mặt hàng thiết yếu, thức uống không thể thiếu của các nước phương Tây. Mặt khác, lợi thế thuế quan từ hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này.

Ngoài EU, các chuyên gia trong ngành đánh giá Trung Quốc cũng là thị trường có tiềm năng và độ mở cho cà phê Việt. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng hơn 24.500 tấn cà phê, tương đương 75,5 triệu USD, giảm 22% về lượng nhưng tăng 5,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, 3 trong 1 chiếm hơn 60% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc. Hiện chỉ còn một tháng rưỡi nữa là Việt Nam kết thúc niên vụ 2021 - 2022 (từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022), với sản lượng dự kiến khoảng 1,5 triệu tấn, thấp hơn 120.000 tấn so với niên vụ 2020 - 2021. Trong khi đó, lượng xuất khẩu tính từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022 đạt hơn 1,4 triệu tấn. Nếu so sánh lượng xuất khẩu cà phê năm nay với cùng kỳ năm ngoái trong các tháng, thì vẫn ở mức cao hơn khoảng 10 - 15%.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 ngàn tấn cà phê để xuất khẩu.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang