Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến xuất khẩu hàng hóa: Cơ hội cần nắm bắt

author 19:10 16/08/2021

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá lúng túng khi chưa biết bắt đầu từ đâu, hay còn tâm lý “ngại thay đổi” vì chưa thực sự hiểu rõ bản chất của hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu thành công.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh trên toàn thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế khiến hoạt động xúc tiến thương mại thực sự gặp nhiều khó khăn. Phần lớn hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống vốn đòi hỏi sự giao lưu trực tiếp giữa nhà cung ứng, nhà phân phối, người mua hàng, nhà xuất khẩu, nhập khẩu không thể thực hiện được.

Việc lên kế hoạch cho hoạt động xúc tiến thương mại cũng khó triển khai do diễn biến dịch bệnh không thể lường trước. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được các đơn vị tổ chức cũng như doanh nghiệp tham gia chuẩn bị nhưng phải hủy đột xuất do các làn sóng Covid-19 gây không ít thiệt hại về tài chính, nhân lực...

Các sản phẩm OCOP cần được hỗ trợ để ứng dụng công nghệ quảng bá, tiếp cận nhiều thị trường hơn. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong sự khó khăn đó, với nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp duy trì kết nối với đối tác, phát triển thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, Bộ Công Thương vẫn nỗ lực tìm giải pháp và nhanh chóng chuyển đổi cách thức xúc tiến thương mại mà cơ bản là ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong quá trình triển khai, hệ thống xúc tiến thương mại cả nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia và bắt tay vừa tìm hiểu vừa thực hiện. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số đã được các đối tác xúc tiến thương mại cũng như khách hàng quốc tế  đón nhận, sẵn sàng phối hợp.

Việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số cũng gặp thuận lợi khi thu hút sự tham gia, ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, các địa phương, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ các dịch vụ xúc tiến thương mại, dịch vụ xuất khẩu... tạo thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại tương đối hoàn chỉnh.

Có thể nói, Việt Nam là một trong vài nước đầu tiên trên thế giới đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số, giao thương trực tuyến và đã triển khai thành công mô hình này. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đáng kể những khó khăn về thị trường do hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống không thể triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.      

Ông Phú cũng cho biết, muốn tận dụng lợi thế của xúc tiến xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp cần thường xuyên tìm hiểu, cập nhật xu hướng xúc tiến thương mại trực tuyến. Đồng thời, doanh nghiệp phải xác định nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu để tiến tới có chiến lược, lộ trình cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số của mình.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá lúng túng khi chưa biết bắt đầu từ đâu, hay còn tâm lý “ngại thay đổi” vì chưa thực sự hiểu rõ bản chất của hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu thành công.

Vì vậy, doanh nghiệp phải cải thiện tốc độ, năng lực giao tiếp. Điều này có thể hiểu là tổng hợp các yếu tố gồm thành thạo ngoại ngữ, khả năng trao đổi trực tiếp, rõ ràng, hiệu quả trong thời gian ngắn để tạo ấn tượng, “ghi điểm” với khách hàng về sự chuyên nghiệp, tin cậy trong kinh doanh. Mặt khác, doanh nghiệp cần nâng cao kỹ năng tìm kiếm, phân tích thông tin và nghiên cứu thị trường trên môi trường mạng, từ đó, nâng cao năng lực nhận biết và quản trị rủi ro trong thương mại quốc tế…

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang