Ứng dụng công nghệ thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

author 07:52 14/11/2023

(VietQ.vn) - Việc ứng dụng công nghệ số để xây dựng thương hiệu đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và có thể giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra những thương hiệu mạnh mẽ và cạnh tranh trong thời đại số hóa.

Sự kiện: CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách và phát triển thương hiệu, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Thương hiệu là giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp, nhưng chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức, mà vẫn có xu hướng thiên về giá trị tài sản hữu hình. Trong những khảo sát được thực hiện, tỉ lệ doanh nghiệp chú trọng đến xây dựng và phát triển thương hiệu vẫn chưa đạt đến 30%, và có sự chênh lệch rất nhiều trong định vị hình ảnh và phát triển thương hiệu giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại.

Thực tế, việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay không mấy dễ dàng, bởi trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trước sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phải đối diện với không ít khó khăn, rào cản. Hầu hết các nhà quản trị doanh nghiệp và những người làm marketing Việt Nam đều hiểu rõ vai trò cạnh tranh của việc xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh. Nhưng nguồn lực phát triển thương hiệu phần lớn chỉ có ở các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn hiểu rất sâu về vấn đề xây dựng thương hiệu trong khi các doanh nghiệp cỡ nhỏ gần như chưa chú trọng, dù có thời điểm, họ sẵn sàng chi rất nhiều, lên tới 50% doanh thu cho quảng cáo ngắn hạn.

Chia sẻ về con đường tăng trưởng doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam Bùi Quý Phong cho biết: tăng trưởng bền vững dù là doanh số, thị phần hay giá trị tài sản doanh nghiệp thì tăng trưởng bằng con đường thương hiệu là tối ưu nhất. Thương hiệu có tính đặc trưng sẽ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, khiến họ cân nhắc hoặc nghĩ tới khi có nhu cầu mua hàng, nhớ đến thương hiệu ở nhiều thời điểm nhất có thể. Do đó doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu của mình trên thương trường.

Hiện nay với sự phát triển vượt bậc của công nghệ việc đẩy mạnh các chiến lược quảng bá thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội là điều cấp thiết nếu không muốn bị bỏ lại phía sau và dần rơi vào quên lãng. Tiêu biểu là một số thương hiệu như Thượng Đình, Asia Sport. Thượng Đình từng một thời đình đám và đạt đến đỉnh cao từ năm 1992 - 2006, thậm chí còn từng đứng đầu các cuộc bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên thương hiệu này dần rơi vào quên lãng, thậm chí liên tục thua lỗ vì kiểu dáng, phong cách không được giới trẻ ưa chuộng, thậm chí được cho là già cỗi không có sự đổi mới. Tuy nhiên nếu so sánh với các thương hiệu giày lâu đời như Vans, Converse hầu như vẫn giữ nguyên kiểu dáng mà chỉ thay đổi đôi chút về công nghệ và một chiến lược truyền thông, xây dựng thương hiệu hiệu quả, hai thương hiệu này vẫn đang khẳng định vị thế trong làng giày thế giới và được nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu thích.

Nhưng năm 2023 là năm đánh dấu sự trở lại vô cùng ấn tượng của cái tên Thượng Đình. Với việc ứng dụng công nghệ, tận dụng tối đa sức lan tỏa của mạng xã hội ''cơn sốt'' giày Thượng Đình đã bùng nổ sau bài đăng trên trang cá nhân của Hieuthuhai và nhóm Gerdnang. Ngoài ra, các TikToker nổi tiếng cũng tích cực lăng xê giày Thượng Đình. Gõ cụm từ “giày Thượng Đình” trên TikTok sẽ hiện rất nhiều video nội dung thú vị xoay quanh thương hiệu giày này, đặc biệt nhất là các mẹo phối đồ với giày.

Có thể thấy thương hiệu đình đám một thời đã quay trở lại với sự giúp sức không nhỏ của nền tảng số, khẳng định việc áp dụng công nghệ chuyển đổi số trong xây dựng thương hiệu là vô cùng cần thiết trong thời đại ngày nay. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực sản xuất, chuyển đổi số từ những khâu quản trị, bán hàng, để tiết kiệm chi phí, nhân lực, tối ưu lợi nhuận.

Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu cần có sự gắn kết giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp và quan trọng cần có được sự ủng hộ từ chính người tiêu dùng Việt. Với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo trong thập kỷ vừa qua, việc ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng thương hiệu Việt.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Phạm Thanh Học đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, tìm tòi những cách làm, giải pháp thiết thực để ngày càng có nhiều người tiếp cận, sử dụng các sản phẩm do thương hiệu Việt sản xuất.

Cùng với đó, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu và phải thực hiện một cách kiên trì, đổi mới tư duy, cách tiếp cận với phương châm: “Bạn đừng bán hàng, hãy bán sự khác biệt”.

Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh đánh giá, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp các doanh nghiệp có nhiều hoạt động thương mại hiệu quả, khẳng định giá thị thương hiệu Việt.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại đây!

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang