Chuyển đổi số công chứng - bước đi tất yếu dù còn nhiều thử thách

author 17:47 09/11/2023

(VietQ.vn) - Chuyển đổi số công chứng tại Việt Nam đang đi chậm hơn so với thế giới. Trong lần sửa đổi Luật Công chứng lần này cần nhanh chóng học hỏi áp dụng những thành công của các nước đi trước để khắc phục bất cập tồn tại nhiều năm qua.

Sự kiện: CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số công chứng là tất yếu

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số hoạt động công chứng là việc tất yếu và không thể né tránh. Nhiều văn bản được ban hành trong thời gian gần đây thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển đổi số nhằm bắt kịp với thế giới trong thời đại công nghệ 4.0. Các văn bản này đã xác định những nội dung quan trọng, trong đó vạch rõ mục tiêu và lộ trình cho việc chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương trong từng giai đoạn cụ thể.

Văn phòng công chứng. (Ảnh minh họa)

Đại diện Sở Tư pháp TP.Hà Nội cho biết, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hóa, nhu cầu thành lập các Văn phòng công chứng trên địa bàn Thành phố trong những năm gần đây là rất lớn. Đến nay, thành phố Hà Nội có 122 tổ chức hành nghề công chứng (10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng) phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã đáp ứng nhu cầu công chúng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Sự phát triển về số lượng các Văn phòng công chứng đồng nghĩa với việc số lượng công chứng viên trên địa bàn thành phố ngày càng tăng. Nhu cầu của xã hội đòi hỏi hoạt động công chứng phải chuyển đổi số là rõ ràng.

Tuy nhiên, theo chị Lê Thị Dung, quận Hà Đông, TP.Hà Nội chia sẻ: "Chồng tôi là quân nhân, công tác ở một tỉnh phía Nam, chúng tôi có nhu cầu mua một căn nhà ở Hà Nội. Khi chồng tôi đến phòng công chứng để làm thủ tục ủy quyền cho tôi thay mặt anh thực hiện việc mua nhà tại Hà Nội, công chứng viên đề nghị xuất trình bản chính sổ đỏ của căn nhà chuẩn bị mua.

Điều này là bất khả thi, không ai đồng ý cho chúng tôi mượn sổ đỏ để đi giao dịch trong trường hợp này. Vì vướng bận công việc không thể về Hà Nội, chồng tôi đã đề nghị với công chứng viên khi giao dịch mua bán nhà, anh sẽ livestream ký hợp đồng, sau đó gửi văn bản về Hà Nội cho tôi và bên bán ký tiếp nhưng công chứng viên từ chối yêu cầu đó vì pháp luật chưa cho phép thực hiện giao dịch công chứng mua bán từ xa".

"Tại sao chúng ta nhập khẩu hàng hóa bằng việc ký kết các hợp đồng từ xa với giá trị rất lớn mà công chứng lại không cải tiến để làm được, việc đó khó đến vậy sao?", chị Dung đặt vấn đề.

Về vần đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Trí Hòa, thành viên Ban soạn thảo Luật Công chứng (sửa đổi) thừa nhận sự bất cập và chia sẻ, nhiều nước trong liên minh công chứng quốc tế (UINL) đã ứng dụng công chứng điện tử và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Ở các quốc gia này, công chứng viên được trang bị công cụ hiện đại, làm việc rất hiệu quả.

"Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc CMCN 4.0. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là đầy đủ và rõ ràng. Bây giờ không phải lúc bàn việc có hay không chuyển đổi số công chứng mà cần bàn đến việc sẽ làm như thế nào. Việc sửa đổi Luật Công chứng là cơ hội tốt để thể chế hóa nội dung này. Chúng ta không thể chờ đến lần sửa đổi luật tiếp theo, vì sẽ chậm thêm hàng chục năm nữa", Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam kiến nghị.

Học hỏi để chuyển đổi

Ông Nguyễn Trí Hòa cho biết, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về chủ đề chuyển đổi số công chứng với một số quốc gia thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế như Pháp, Đức, Nga, Uzbekistan… để tìm hiểu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.

Kết quả cho thấy ở các quốc gia này đều đã ứng dụng công chứng điện tử. Các quốc gia ứng dụng thành công đều rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam nếu có yêu cầu. Về phía ngành tư pháp, chúng tôi nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp về vấn đề này.

Theo ông Đào Duy An, Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam: "Chuyển đổi số công chứng tại Việt Nam diễn ra muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng đó cũng là lợi thế vì chúng ta có thể đúc rút được kinh nghiệm của các quốc gia khác, đồng thời có cơ hội ứng dụng những công nghệ mới nhất, hiệu quả nhất".

Ông Đào Duy Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Cho rằng xây dựng, nguồn lực, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, bảo đảm thể chế, pháp luật thật sự là “đòn bẩy” cho hoạt động công chứng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, thời gian tới, các đơn vị, địa phương phải tăng cường kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh những sai phạm và biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động công chứng như: Chia sẻ thông tin, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan; phát huy vai trò tự quản của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, hội công chứng viên các địa phương… Bộ Tư pháp cũng xác định chuyển đổi số; tập trung nguồn lực để tạo lập hệ thống pháp luật về công chứng, chứng thực đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi ngay trong dự thảo Luật Công chứng sửa đổi là yêu cầu cấp bách.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang