Truy xuất nguồn gốc thủy sản bằng phần mềm điện tử đảm bảo tính chính xác, minh bạch

author 15:03 14/06/2023

(VietQ.vn) - Việc triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đối với nghề cá giúp tăng tính chính xác và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đối với nghề cá trong nước gồm các bên liên quan là ngư dân, cảng cá, doanh nghiệp chế biển thủy sản xuất khẩu, cơ quan thẩm quyền tại địa phương và Trung ương với 6 bước triển khai, gồm: Quản lý tàu xuất cảng và ghi nhận dữ liệu ban đầu về tàu và thuyền viên; ghi chép sản lượng khai thác tại thời điểm đánh bắt thông qua thiết bị nhật ký điện tử; quản lý tàu vào cảng, cập nhật sản lượng khai thác; giám sát sản lượng lên cảng, cấp biên nhận bốc dỡ, mua cá tại cảng; cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Truy xuất nguồn gốc thủy sản hướng tới minh bạch hóa thông tin về sản phẩm thủy sản. Ảnh minh họa 

“Trong thời gian vừa qua, ngành thủy sản đã rất nỗ lực trong việc truy xuất nguồn gốc đối với các tàu khai thác trên biển về đến cảng cá và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều khó khăn, chính vì thế, ngành thủy sản mới phát triển hệ thống này”, ông Luân cho hay.

Cũng theo ông Luân, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử được xây dựng trên nền tư vấn của các đơn vị chuyên môn, đã được thử nghiệm trên các tàu khai thác thủy sản, kết quả cho thấy rất khả quan. Sử dụng hệ thống, tính chính xác của các mẻ lưới khi khai thác trên biển được đảm bảo, hơn nữa, ngư dân còn được giảm nhân lực khi đăng ký tàu xuất, nhập bến.

Đặc biệt, khi tàu về đến cảng cá, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản tích hợp vào hệ thống quản lý của cảng, từ đó, ngành chức năng xác định được sản lượng lên bến với sản lượng đánh bắt, tiến tới chứng nhận của các Chi cục Thủy sản. Quá trình sản phẩm thủy sản đánh bắt từ khi cập cảng đến khi về đến nhà máy chế biến được giảm rất nhiều phần việc, kéo theo giảm được rất nhiều nhân lực mà vẫn đảm bảo tính chính xác trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản. Nhìn chung, tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, công tác truy suất nguồn gốc thủy sản đã được tiến hành một cách đồng bộ, bài bản.

Theo Tổng cục Thủy sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển Việt Nam được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản bảo đảm thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, công tác xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.

Được biết năm 2021 cả nước cấp được 3.300 giấy chứng nhận với 43.998 tấn sang các thị trường yêu cầu chứng nhận khai thác, trong đó xuất khẩu vào thị trường EU được 2.715 giấy với khối lượng đạt 31.881 tấn. Năm 2022 đã cấp 1.500 giấy, khối lượng đạt hơn 21 nghìn tấn...

Trong đó Bình Định là địa phương hiện đang chiếm trên 50% số lượng tàu đánh bắt cá ngừ và chiếm trên 50% sản lượng cá ngừ, đặc biệt là cá ngừ vây vàng mắt to (cá ngừ đại dương) của cả nước. Bình Định cũng là địa phương tiên phong áp dụng thử nghiệm nhật ký điện tử cho các tàu cá đánh bắt xa bờ để đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Việc triển khai thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử tại Bình Định bước đầu đã khắc phục được những bất cập trong quá trình ghi chép nhật ký bằng giấy. Tránh tình trạng nhiều chủ tàu không ghi nhật ký mà là “hồi ký” nên không đảm bảo tính chính xác.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian qua, cùng với việc thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Bình Định cũng đã áp dụng thử nghiệm phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản.

Ông Phúc cho biết, sau hơn 5 năm triển khai, việc viết nhật ký khai thác trong ngư dân đã có những tiến bộ đáng ghi nhận. Từ chỗ hầu như ngư dân không viết nhật ký khai thác, hoặc là viết “hồi ký” chỉ để đối phó, bây giờ hầu hết ngư dân đã chấp hành nghiêm cẩn. Tuy nhiên, việc ngư dân viết nhật ký khai thác bằng tay đã bộc lộ nhiều bất cập, áp dụng nhật ký khai thác điện tử đã hóa giải tất cả những vướng mắc nói trên.

Thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác (kiểm soát tàu cá ra vào cảng, bốc dỡ thủy sản tại cảng và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản), lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau đã tăng cường kiểm soát tốt, chặt chẽ tàu cá xuất, nhập cửa biển và cập, rời cảng cá chỉ định, có đối chiếu số liệu hằng tháng giữa các lực lượng có liên quan.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau Ðỗ Chí Sĩ, cả tỉnh có 5 cảng cá chỉ định cho tàu cập bến, với tổng nguồn nhân lực gần 60 người, là lực lượng chủ công giám sát truy suất nguồn gốc hải sản ở Cà Mau. Nhờ đó từ đầu năm 2020 đến ngày 31/8/2022, Văn phòng IUU tại các cảng cá Cà Mau đã kiểm tra, kiểm soát hơn 39.000 lượt tàu cá cập, rời cảng, qua đó lập biên bản nhắc nhở hơn 1.000 tàu cá và yêu cầu chủ tàu cam kết khai thác thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. Nhờ thực hiện tốt công tác truy suất nguồn gốc mà từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 9/2022, lực lượng chức năng Cà Mau đã cấp được 417 giấy xác nhận cho hơn 46.500 tấn nguyên liệu hải sản. Ðến nay, Cà Mau không có trường hợp nào sai sót về hồ sơ xuất khẩu hải sản phải xác minh, giải trình...

Tại tỉnh Phú Yên, từ năm 2019 đến nay đã không còn trường hợp tàu cá nào vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Phú Yên đang triển khai số hóa công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác thay vì kê khai thủ công như trước đây mất nhiều thời gian, nhân lực mà số liệu không chính xác. Ngành cũng triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, ngư dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản về thao tác, ghi nhật ký điện tử, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Phần mềm này đã được chạy thử, sắp tới sẽ áp dụng ghi nhật ký điện tử đối với các tàu câu cá ngừ đại dương…

Trong điều kiện hiện nay, để tăng cường hiệu quả hơn nữa trong giám sát và truy xuất nguồn gốc toàn bộ chuỗi khai thác, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản khai thác bảo đảm độ tin cậy, tính hợp pháp cao, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung, kết nối giữa các đơn vị liên quan đóng vai trò then chốt và cấp thiết.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này, khi cho rằng: "Truy xuất nguồn gốc thủy sản không chỉ để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ... mà còn là nhu cầu từ thị trường trong nước liên quan tới minh bạch hóa thông tin về sản phẩm thủy sản".

An Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang