Uống thuốc Paracetamol tại nhà bị sốc phản vệ nặng

author 10:06 29/08/2021

(VietQ.vn) - Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc mới đây đã cứu sống một bệnh nhân bị phản vệ do uống thuốc Paracetamol.

Cụ thể, theo thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc, vừa qua, Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc đã cấp cứu thành công cứu sống kịp thời một bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng do uống Paracetamol ở nhà.

Theo đó, người bệnh là N.T.V 13 tuổi địa chỉ ở Tam Dương – Vĩnh Phúc. Trước đó ở nhà trẻ bị sốt và chảy nước mũi, được người nhà tự mua thuốc Paracetamol về cho trẻ uống tại nhà. Sau uống thuốc xuất hiện tình trạng nổi ban đỏ toàn thân và ngứa nhiều.

Ngay sau đó người bệnh nhanh chóng được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc trong tình trạng lơ mơ, da tái, huyết áp tụt 70/40 mmHg, mạch nhanh nhỏ khó bắt, khó thở (SpO2 88%) và được chẩn đoán là phản vệ độ III. Ngay lập tức các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ của Sốc phản vệ: Thở máy, vận mạch, Corticoid...

Sau 1 tuần nằm viện điều trị trẻ ổn định và được xuất viện trong niềm hân hoan vui mừng của toàn thể gia đình và tập thể khoa Hồi sức cấp cứu.

 Cẩn thận trọng khi dùng thuốc Paracetamol tại nhà vì dễ gây dị ứng sốc phản vệ. Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ tại bệnh viện, phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất làm dị ứng (dị ứng nguyên). Một loạt các chất hóa học được giải phóng bởi hệ miễn dịch khi phản ứng phản vệ có thể đẩy cơ thể vào tình trạng gọi là sốc phản vệ: khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu đúng và kịp thời.

Acetaminophen (Paracetamol) là thuốc hạ sốt giảm đau thông dụng, thực tế cho thấy hầu như gia đình nào cũng có sẵn và dùng thường xuyên. Cho đến nay, tỉ lệ sốc phản vệ/phản ứng phản vệ với acetaminophen (Paracetamol) được báo cáo trên toàn thế giới không nhiều, nhưng vẫn xảy ra nên mọi người không được chủ quan khi sử dụng Paracetamol.

 
Dị ứng thuốc là trường hợp cơ thể không dung nạp được với thuốc uống, chích, thoa vào cơ thể dẫn đến các biểu hiện phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho cơ thể người khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc.

Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng nên sẽ xảy ra dị ứng dù thuốc được dùng đúng liều hoặc thậm chí dùng liều rất thấp. Tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thuốc nào kể cả những thuốc được xem như vitamin B1. Trường hợp dị ứng thuốc nặng, người dùng thuốc bị sốc thuốc gọi là choáng phản vệ có thể dẫn đến tử vong.

Người dị ứng thuốc thường dị ứng với một số loại thuốc như dị ứng thuốc kháng sinh, vitamin dạng tiêm, dị ứng paracetamol, dị ứng thuốc gây tê, gây ngủ, dãn cơ, một số nội tiết tố,...
 

Qua đây các bác sĩ Hồi sức cấp cứu khuyến cáo bất kỳ một loại thuốc nào cũng có thể gây dị ứng với một đối tượng nào đó, vì vậy mọi người dùng thuốc phải an toàn và theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài thuốc, các loại thức ăn, hóa chất cũng có thể gây dị ứng. Do đó, cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng càng nhiều càng tốt; Đeo vòng cổ hoặc vòng tay cảnh báo y tế với thông tin một số loại thuốc cụ thể hoặc các chất mà bạn/con bạn dị ứng.

Luôn thông báo cho bác sĩ về tình trạng dị ứng thuốc của bản thân/của con trước khi điều trị y tế. Nếu có tiêm thuốc, cần đợi ít nhất 30 phút trước khi rời phòng khám để phòng trường hợp gặp phản ứng phản vệ.

Nếu bị dị ứng với một loại thực phẩm cụ thể, hãy đọc kỹ nhãn mác của tất cả các loại thực phẩm định dùng, luôn kiểm tra thành phần của thực phẩm trước khi ăn uống. Khi ăn ở hàng quán, hãy hỏi về các thành phần trong món ăn.

Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào đều cần hướng dẫn của bác sĩ, và phải đến bệnh viện ngay khi có những triệu chứng của dị ứng thuốc như: Nổi mề đay, ngứa, tức ngực, khó thở...

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang