Vận chuyển hơn 400 sản phẩm lưỡi cưa, lưỡi cắt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

author 12:30 26/07/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT tỉnh Hà Giang vừa phát hiện và tạm giữ hơn 400 sản phẩm gồm lưỡi cưa, lưỡi cắt, chổi than có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang cho biết, mới đây Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 đã tiến hành khám phương tiện xe ô tô biển kiểm soát 34C 27697 do có thông tin vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.

 Lưỡi cắt, lưỡi cưa giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Qua kiểm tra lực lượng chức năng xác nhận ông Vũ Quyết Tiến, sinh năm 1993 là người điều khiển phương tiện trên. Kết quả kiểm tra trên xe đã phát hiện hàng hóa là phụ kiện máy cầm tay (lưỡi cưa, lưỡi cắt, chổi than) có in, khắc nhãn hiệu MAKITA có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, tổng số lượng 423 sản phẩm.

Chủ hàng hóa là ông Vũ Quyết Tiến, sinh năm 1993, nơi cư trú thôn Ninh Thanh 1, Ea Kmút, Ea Kar, Đắk Lắk. Qua đấu tranh bước đầu ông Tiến khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường đang được vận chuyển đi bán để kiếm lời, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 1 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.

Theo lực lượng chức năng, nhãn hiệu là một trong những đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật quốc gia và quốc tế quan tâm bảo hộ. Tuy nhiên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, các hành vi xâm phạm nhãn hiệu đang ngày càng gia tăng nhất là hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa. Điều này gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được bảo hộ. Vậy quy định của pháp luât hiện hành về xử lý hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa như thế nào? Theo quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bị xử phạt hành chính:

Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính: Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội.

Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này; Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh..

An Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang