Vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc: Cần trừng trị nghiêm khắc

author 13:29 30/06/2022

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện, tạm giữ xe tải vận chuyển gần 16 tấn thịt, sườn và lưỡi lợn mang nhãn mác nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, trong lúc tuần tra, kiểm soát địa bàn, khi tới khu vực khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên (An Giang), Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Bộ đội Biên phòng tỉnh) phát hiện xe ô tô tải 50H - 132.00 do tài xế Nguyễn Thường (sinh năm 1986, trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) điều khiển, có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành dừng phương tiện kiểm tra.

Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe có vận chuyển 1.078 thùng sản phẩm thịt động vật gắn nhãn mác nước ngoài, bên trong chứa gần 16 tấn thịt lợn gồm sườn, lưỡi và thịt ba chỉ lóc sườn có da, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa khoảng 1,3 tỷ đồng.

Toàn bộ lô hàng không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh tư liệu

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên và cũng không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Tài xế khai nhận vận chuyển thuê số thịt trên cho người phụ nữ từ TP Hồ Chí Minh về giao cho khách hàng tại thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, với tiền công 7 triệu đồng.

Tổ công tác bàn giao vụ việc cho Công an huyện Tịnh Biên tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện cùng tang vật để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao, do đó hoạt động vận chuyển, kinh doanh, chế biến các loại thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng, không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc rõ ràng diễn biến phức tạp. Vì vậy, để đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm bẩn, trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm địa bàn, đối tượng, nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung.

Theo luật sư Luân Thị Nương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh hay thực phẩm bẩn là tình trạng nhức nhối trong xã hội nhiều năm trở lại đây. Các cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc, hệ thống pháp luật đã thay đổi nhiều để đấu tranh phòng, chống vấn nạn này và đã thu được nhiều kết quả, tuy nhiên thực phẩm bẩn vẫn là một vấn nạn khó có thể hết nóng trong cuộc sống của người dân.

Từ đặc thù của Việt Nam là phổ biến loại hình kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, buôn thúng bán mẹt, chợ cóc chợ tạm, hàng quán vỉa hè rất nhiều, trong đó có rất nhiều cửa hàng ăn, cửa hàng bán thực phẩm. Mặc dù đem lại sự tiện lợi cho người dân nhưng các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng ăn nhỏ lẻ này không được quản lý đầy đủ dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng-Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối về chế tài hành chính, căn cứ Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Theo đó, người có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tối đa là phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong đó, có những hành vi vi phạm bị xử phạt rất nặng như các hành vi được quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này là sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm, sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy…

Mức phạt tiền 100 triệu đồng có thể là lớn đối với nhiều người nhưng so với lợi nhuận mà nhiều kẻ thu được từ hoạt động kinh doanh thực phẩm bẩn, so với hậu quả mà những đối tượng này gây ra đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội thì không phải là nhiều.

Về trách nhiệm hình sự, người vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự. Tội này quy định các hành vi như sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên… Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 20 năm.

“Ngoài ra, người kinh doanh thực phẩm giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực - thực phẩm, phụ gia lương thực thực phẩm theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù chung thân. Về quy định của Bộ luật Hình sự, hình phạt cho người có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đã đủ tính răn đe nhưng các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội này còn rất ít. Phải nhìn nhận hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác, cần thiết trừng trị nghiêm khắc” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang