Vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang ‘khát’ vốn

author 11:15 05/12/2022

(VietQ.vn) - Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, khát vốn vẫn là thực trạng phần đông doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc một số nhóm ngành lĩnh vực gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 phục hồi và tăng trưởng, vào cuối tháng 5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN.

Việc giảm 2% lãi suất cho vay đối với các đối tượng thụ hưởng sẽ trực tiếp giảm chi phí vay vốn; chi phí tài chính cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành, từ đó có cơ hội phục hồi tăng trưởng nhanh, góp phần tạo điều kiện cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước. Đây là mục tiêu cơ bản, thiết thực và là động lực để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.

Khát vốn vẫn là thực trạng phần đông doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ảnh minh họa.

Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng hỗ trợ từ chính sách này. Tuy nhiên, khát vốn vẫn là thực trạng phần đông doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho hay, trong bối cảnh hiện nay, khi các chi phí đều tăng, đơn hàng sụt giảm, để duy trì hoạt động, vấn đề chính yếu đối với doanh nghiệp vẫn là vốn. Qua đợt dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều mong muốn tiếp cận vốn ngân hàng, nhất là vốn vay ưu đãi cho phát triển cơ khí, công nghiệp hỗ trợ. Nhưng hầu hết doanh nghiệp không tiếp cận được bởi ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Trong  2 năm Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đều hoạt động không có lãi, họ phải gồng mình vượt khó, tài sản có thể thế chấp cũng đã sử dụng, dẫn tới không thể vay được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ưu đãi 2% lãi suất từ nhà nước là chính sách tốt nhưng khó tiếp cận”, ông Long chia sẻ.

Bên cạnh đó, GS. TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, cùng một gói hỗ trợ có thể có đối tượng tiếp cận dễ dàng, có đối tượng được hỗ trợ không đáng kể hoặc không tiếp cận được. Ví dụ, gói hỗ trợ lãi suất 2%, đây là gói tác động rất mạnh, rất rộng đến cộng đồng doanh nghiệp bởi lẽ Chính phủ dành 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất nhưng tác động đến hơn 20 triệu tỷ đồng tiền vốn của doanh nghiệp.

Nếu không cẩn thận thì số 20 triệu tỷ đồng này chỉ dồn vào một nhóm những “ông lớn” nào đó, trong khi đó doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể không tiếp cận được (dù số vốn không nhiều) nên không thể phát triển được - GS. TS Hoàng Văn Cường lưu ý.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, phải tiến hành rà soát làm sao hỗ trợ đúng và trúng đối tượng, cần thay đổi căn bản các phương thức quản lý, quản trị, kiểm soát chính sách. Cụ thể, cần phải làm mạnh hơn việc kiểm soát nghiêm ngặt các giao dịch không dùng tiền mặt. Với trang bị công nghệ số hiện nay thì bất kể dòng tiền nào từ ngân hàng đầu tư ra cho doanh nghiệp, chảy đi đâu, đến doanh nghiệp nào, đều có thể kiểm soát được. Khi đó, ta có thể đảm bảo được dòng tiền khi thực hiện các chính sách hỗ trợ này sẽ đúng, trúng mục đích hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế chứ không chảy vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản, đầu tư tài chính để xảy ra các trục lợi chính sách.

Ở góc độ ngân hàng, nhằm giải quyết hiệu quả nút thắt dòng vốn doanh nghiệp SMEs, Techcombank đã tối ưu mô hình tài trợ chuỗi cung ứng truyền thống. Với khả năng cung cấp giải pháp "may đo" cho nhiều doanh nghiệp lớn, Techcombank đã phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng với những tập đoàn hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế như bất động sản, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), kinh doanh gỗ...

Được đảm bảo bởi uy tín thanh toán cũng như tín dụng của Người mua/Người Bán lớn, nhà cung cấp hay nhà phân phối thuộc hệ sinh thái thương mại này dễ dàng được kiểm định và phê duyệt tham gia vào hệ thống tài trợ chuỗi cung ứng của Techcombank, từ đó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với chi phí hợp lý hơn so với chi phí vay thông thường.

Với vị thế dẫn đầu công nghệ và dẫn dắt số hóa ngành tài chính, giải pháp chuyển đổi số toàn trình (end-to-end process) của Techcombank được coi là bước đột phá cho giúp đơn giản hóa cho dịch vụ này. Quy trình cấp hạn mức và giải ngân truyền thống bằng giấy tờ đã được Techcombank từng bước chuyển đổi sang hành trình số hóa thành công, giúp doanh nghiệp có thể tự thực hiện giao dịch, theo dõi quá trình phê duyệt và được thanh toán trực tuyến. 

Nhanh chóng trong khâu phê duyệt, thuận tiện trong quy trình thanh toán, trong năm 2021, số lượng doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam được tiếp cận với dòng vốn SCF từ Techcombank đã tăng trưởng 195%, và tiếp tục tăng lên gấp đôi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022. Tốc độ giải ngân thông qua giải pháp này cũng tăng 140% trong năm qua.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang