Vấn nạn bác sĩ thẩm mỹ rởm được đào tạo 'siêu tốc' gây ra nhiều hệ lụy

author 12:40 05/12/2023

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, hiện nay có nhiều 'bác sĩ rởm' học việc từ các lò đào tạo thẩm mỹ chui nguy cơ gây ra những hậu quả đáng tiếc cho khách hàng.

"Viện thẩm mỹ", "thẩm mỹ viện", "viện sắc đẹp"... những cơ sở mang tên hào nhoáng này làm lóa mắt bao người đam mê làm đẹp, mơ mộng cải thiện nhan sắc. Nhiều cơ sở hoạt động không phép, lắm địa chỉ tự lấn sân sang làm lĩnh vực y tế thay vì chỉ chăm sóc da, xăm chân mày như đăng ký lúc ban đầu với cơ quan chức năng. Thực trạng phẫu thuật thẩm mỹ "chui" vẫn cứ ngang nhiên quảng cáo hoạt động nhan nhản từ lâu nay. Đáng nói, những người hành nghề thẩm mỹ chui đều là những 'bác sĩ rởm" được đào tạo chớp nhoáng, không chuyên môn.

Về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên, Trưởng đơn vị Da liễu &Thẩm mỹ da - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, nhu cầu làm đẹp nở rộ, đến từ mọi tầng lớp, đối tượng và đáp ứng nhu cầu ấy trở thành xu thế. Trong khi “học việc” từ các lò đào tạo “chui” lại quá đơn giản. Tất cả gói gọn trong những dụng cụ thô sơ như ống tiêm, găng tay, sát khuẩn, nước muối sinh lý, ghế ngồi.

Trào lưu này hình thành do có hai đối tượng khách hàng. Một là khách đi học, hai là khách đi tiêm. Khách đi học muốn thủ tục đơn giản, học nhanh, được hành nghề sớm mà không chịu tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật. Họ không ngần ngại ra số tiền lớn với mong muốn nhanh thu hồi vốn như lời hứa hẹn của người dạy. Những người này thường là tay ngang, không có chuyên môn về ngành y.

Làm đẹp từ "bác sĩ rởm" tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: VTV News

Đối tượng thứ hai là khách hàng đi tiêm. Khi đến những cơ sở uy tín, có bác sỹ trực tiếp thăm khám, thì họ không mặn mà bởi bác sĩ chính quy thường sẽ tư vấn, phân tích cặn kẽ về các phương pháp làm đẹp và các tác dụng phụ có thể gặp.

Các cơ sở chính quy cũng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đúng theo quy chuẩn y tế, do đó giá thành chắc chắn không thể rẻ được, mà điều này lại khiến người muốn đẹp mà phải rẻ không ưa chuộng. Ngược lại, khi đi tư vấn tại các chỗ làm chui thì họ lại dễ dàng nghe theo vì tư vấn viên luôn nói như rót mật vào tai, khẳng định an toàn và đẹp ngay lập tức. Hai đối tượng này góp phần thúc đẩy “cuộc đua” mở khoá đào tạo “chui”, là vấn nạn hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt.

Vụ việc một 'bác sĩ rởm" được quảng cáo giỏi nhất Đà Nẵng đã bị công an phát hiện ra nhiều sai phạm gây hoang mang cho nhiều khách hàng. Cụ thể, theo thông tin từ Báo Đại biểu Nhân dân, vào chiều tối ngày 24/10, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ Thẩm mỹ ID Korea (số 265-267 Hùng Vương, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) phát hiện có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện, "bác sĩ" của cơ sở bà L.T.H (SN 1999, trú huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang thực hiện dịch vụ “nâng ngực” cho một khách hàng. Qua xác minh, bà H. không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Phía bà H. cung cấp thì chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 và khách hàng được nhân viên marketing của cơ sở giới thiệu là “bác sĩ thẩm mỹ giỏi nhất Đà Nẵng”. 

Trước khi thực hiện thủ thuật thì “bác sĩ” H. đã thực hiện khám sức khỏe, lấy máu của khách hàng với mục đích xét nghiệm nhưng thực tế việc lấy máu chỉ là thủ đoạn để tăng lòng tin về tính chuyên nghiệp của cơ sở. Cơ quan công an kiểm tra thì phát hiện toàn bộ số máu lấy từ khách hàng đều được cho vào thùng rác trên tầng 3 của cơ sở (đặc biệt số máu này không được bảo quản, để rơi vãi ra xung quanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nguy hiểm).

Nói tới những biến chứng dễ xảy ra từ phương pháp làm đẹp do những người hành nghề y không chuyên môn thực hiện, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên cho biết, tai biến với tác dụng phụ của tiêm xoá nhăn và thon gọn vẫn gọi thông dụng vắn tắt là botox thường đến từ nhiều nguy cơ. Trong đó, nguy cơ méo lệch, sụp mi do người hành nghề tiêm không đúng kỹ thuật, không đúng liều lượng thường xảy ra nhất. Tiếp đến là nguy cơ dị ứng do tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, có lẫn tạp chất hoặc hư hại, bảo quản không đúng cách.

Còn chất làm đầy (filler, chứa hyaluronic acid dùng vào mục đích làm đầy và tăng thể tích vùng mô) đặc hơn nên khi tiêm vào lòng mạch máu, có nguy cơ làm tắc mạch. Cũng có khi, không phải tiêm vào lòng mạch nhưng tiêm quá nhiều dẫn đến chèn ép mạch máu, cũng dẫn đến biến chứng hoại tử vùng mô được tưới máu bởi mạch máu đó.

Tắc mạch, chèn ép mạch máu là nguy cơ đáng ngại nhất vì có thể dẫn đến các tai biến không thể cứu vãn được ví dụ như mất thị lực, tắc mạch não, hoại tử da... Đa số các tai biến xảy ra gây tử vong hay hoại tử như nhiều trường hợp gần đây, chủ yếu là do những người không biết làm, làm nghề tay ngang, được đào tạo “siêu tốc”.

Một nguy cơ khác cũng rất đáng ngại, đó là nhiễm trùng. Nó đến từ sự kém vệ sinh trong quy trình tiêm chích, dễ dẫn đến tình trạng lây nhiễm vi trùng, vi nấm nguy hiểm. Nghiên cứu cho thấy, nền tảng kiến thức, sự am hiểu về kỹ thuật tiêm và kinh nghiệm của bác sỹ chính là chìa khoá quan trọng để giúp giảm thiểu các tai biến nghiêm trọng khi tiêm filler.

Hiện nay, có nhiều cơ sở được phép cung cấp dịch vụ tiêm filler, botox, đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Trong đó, tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, giấy phép đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế là điều cơ bản nhất, bắt buộc phải có.

Filler và botox chính hãng, được phép lưu hành hiện phải được phân phối từ các công ty uy tín, được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Công ty phải có trụ sở, kho xưởng công khai; sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, quy trình bảo quản theo chuẩn, bởi vậy giá không hề rẻ. Trong khi đó các sản phẩm giá rẻ bèo, không rõ nguồn gốc thường có nguy cơ lẫn tạp chất, bảo quản không đúng quy định nên chất lượng không đảm bảo. Từ đó dẫn đến các nguy cơ phản ứng dị ứng, tạo phản ứng u hạt, nguy cơ lây nhiễm... Do đó, người sử dụng dịch vụ cần tỉnh táo chọn lựa nơi uy tín để tránh tai biến, đảm bảo an toàn trong chăm sóc cho sức khoẻ và sắc đẹp của mình.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang