Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một tinh vi

author 05:57 27/11/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đang phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày một tinh vi và phức tạp hơn.

Lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, thông qua các nền tảng xã hội thì hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng xâm phạm SHTT có xu hướng gia tăng trong thời gian qua.

Các đối tượng xấu đã thực hiện các hành vi; buôn lậu, sản xuất hàng giả, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT trên các lĩnh vực như: Đồ uống, đồ ăn khô là bánh kẹo, thời trang, thuốc lá, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc tân dược, linh kiện điện tử, xe máy, phụ tùng ô tô, xe máy, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...vv.

Nhìn tổng quan, tất cả các sản phẩm hàng hoá trên thị trường đều có nguy cơ bị làm giả làm nhái đưa vào lưu thông. Các hành vi này trái với quy định pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ người dân, doanh thu của doanh nghiệp cũng như thất thu ngân sách nhà nước về thuế.

Trước thực trạng sự phát triển của thương mại điện tử, thông qua các nền tảng xã hội thì hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng xâm phạm SHTT có xu hướng gia tăng, ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đề xuất nhiều giải pháp truyền tải đến Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước.

Cụ thể, đối với hiệp hội VATAP ông Trung đề xuất:

Thứ nhất, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (VATAP) tiếp tục đại diện cho hội viên trong việc phối hợp với các tổ chức kinh tế và các cơ quan thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp một cách tích cực và hiệu quả hơn.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đang phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT ngày một tinh vi và phức tạp hơn. Ảnh minh họa

Chủ động trong công tác tìm kiếm, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng về các đối tượng có hành vi sản xuất kinh doanh, vận chuyển, cất giữ và buôn bán hàng giả gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp hội viên nói riêng cũng như vi phạm pháp luật Việt Nam nói chung để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, Hiệp hội cần tăng cường công tác trao đổi kinh nghiệm, học tập các mô hình trong nước và quốc tế trong công tác chống hàng giả, xây dựng và bảo vệ thương hiệu để hỗ trợ cho hội viên tốt hơn trong thời gian tới.

Thứ ba, tổ chức tuyên truyền cho hội viên chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giúp các hội viên tránh được các vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xác lập quyền và nghĩa vụ của mình đảm bảo sản xuất kinh doanh bền vững trong thời gian tới.

Đối với khối doanh nghiệp ông Đỗ Hồng Trung đề xuất Khối doanh nghiệp cần chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuyên truyền trong nội tại doanh nghiệp đến người lao động, người thân nói không với hàng giả hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT, đồng thời thường xuyên chia sẻ thông tin đến các lực lượng chức năng thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mọi lúc mọi nơi, mọi hình thức; Phát huy những giá trị đã đạt được về sản phẩm, về thương hiệu, về giải thưởng và nắm bắt nhu cầu, xu hướng thị trường, xu hướng tiêu dùng để đưa ra các sản phẩm hàng hoá chất lượng cao và có tính cạnh tranh tốt hơn trong thời gian tới.

Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ sản phẩm, bảo vệ thương hiệu thông qua các biện pháp như đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu sản phẩm và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chống hàng giả của doanh nghiệp thông qua các phần mềm điện tử, tem điện tử.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang