Vấn nạn thuốc, thực phẩm chức năng giả và một số kiến nghị trong công tác quản lý

author 10:24 24/08/2022

(VietQ.vn) - Vấn nạn sản xuất, kinh doanh thuốc và TPCN giả diễn ra nhiều năm nay gây bức xúc trong dư luận. Việc chống hàng giả và lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cũng chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất chân chính.

Trong khoảng gần ba mươi năm trở lại đây, trên thế giới, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đã phát triển mạnh mẽ. Theo Reports and Data (2018), thị trường TPCN toàn cầu có giá trị lên tới 124,8 tỉ USD và dự kiến tăng trưởng tới 6,4% mỗi năm, đạt mức 210,3 tỉ USD vào năm 2026.

Từ chỗ chỉ có vài sản phẩm cuối thế kỉ XX, đến năm 2020, số lượng TPCN trên thị trường đã đạt trên 7.000 với sự tham gia của khoảng 3.500 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Không những thế, TPCN đã phát triển mạnh về số lượng mặt hàng cả sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Kể cả khi nhiều ngành kinh tế thế giới đình đốn do dịch Covid - 19 thì ngành TPCN tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn tăng trưởng. Do có lợi cho sức khỏe mà TPCN mang lại như làm tăng hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính, nên TPCN ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên thế giới cũng như tại Việt Nam sử dụng.

Theo Cơ quan quản lý, có khoảng 30.000 sản phẩm TPCN được cấp phép lưu hành. Hơn 70% số TPCN tiêu thụ tại Việt Nam là hàng sản xuất trong nước. Hơn 20% còn lại là hàng nhập khẩu. 

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất sản phẩm này. Đây cũng là mảnh đất hấp dẫn cho sản xuất, kinh doanh TPCN giả. 

 Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý TPCN giả, kém chất lượng.

Do vậy, Chính phủ đã ban hành nghị định 15/2018/NÐ-CP yêu cầu các cơ sở sản xuất bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn thực hành vệ sinh tốt (GMP). Được biết hiện nay, tại Việt Nam đã có trên dưới hơn 200 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP. Theo Euromoniter, thị trường TPCN ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm.

TPCN được biết mới có mặt tại Việt Nam trong khoảng gần 20 năm trở lại đây nhưng đã phát triển rất nhanh, với hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh làm cho thị trường trở nên phong phú. Vấn đề cấp thiết hiện nay là làm thế nào để ngăn chặn thuốc và TPCN giả đang gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn về sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng. Vì vậy, chống hàng giả, chống gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh thuốc và TPCN giả hiện nay chính là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Về mặt luật pháp, khái niệm TPCN đã được đưa vào Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm từ năm 2003 và Luật An toàn thực phẩm năm 2010, năm 2018. Theo đó “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học”. Sau khi Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành. Ngoài ra còn có các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Dược; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Thương mại; Luật Cạnh tranh; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Về quản lý thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã có nhiều thông tư hướng dẫn. Như vậy có thể nói, tại Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có TPCN.

Vấn đề đáng quan tâm hàng đầu là tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc và TPCN giả. Việc chống hàng giả và lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cũng chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất chân chính.

Có thể nói, bên cạnh doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh làm ăn nghiêm túc, sản xuất, cung ứng ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật và sự cả tin của người tiêu dùng vào những quảng cáo về khả năng chữa bệnh của TPCN, đặc biệt là đánh vào tâm lý người bệnh để bán hàng với giá cao, chất lượng không bảo đảm, thậm chí hàng giả, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Qua thông tin từ cơ quan chức năng và báo chí cho thấy những hành vi vi phạm diễn ra dưới nhiều hình thức với quy mô, tính chất khác nhau. Cơ quan chức năng đã phát hiện có vụ hàng trăm thùng thực phẩm chức năng, nhãn ghi xuất xứ Mỹ nhưng thực tế sản xuất ở Hải Dương.

Có vụ trên 3.780 lọ thực phẩm chức năng dạng viên nang, nhãn ghi sản xuất tại Mỹ, nhưng thực tế tại Trung Quốc. Hay trong 6 tháng 2015, cùng trên địa bàn Hà Nội, đầu năm cơ quan công an phát hiện, thu giữ 10 tấn TPCN giả, 3 đối tượng liên quan bị áp dụng một số biện pháp tố tụng. Tưởng chừng là lời cảnh báo nghiêm khắc, nhưng giữa năm, Công an TP.Hà Nội lại phát hiện, thu giữ một vụ tới 20 tấn TPCN giả, lớn gấp hai lần vụ trước.

Trên thị trường hiện có nhiều loại TPCN không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi nhãn theo quy định được bày bán công khai. Nếu trước đây, TPCN chủ yếu được nhập khẩu, phân phối và kinh doanh bởi một số công ty bán hàng đa cấp, hoặc bán hàng qua mạng thì hiện nay rất nhiều nhà thuốc, siêu thị cũng kinh doanh mặt hàng này. 

Theo quy định, đối với TPCN chứa hoạt chất sinh học, nếu công bố sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng trong cơ thể người, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật thì phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của sản phẩm hoặc tài liệu chứng minh tác dụng của thành phần của sản phẩm có chức năng đó hoặc giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành có nội dung xác nhận công dụng của sản phẩm ghi trên nhãn. Trên thực tế, người tiêu dùng khó tiếp cận những thông tin đó. 

Với hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế tham gia, hàng vạn sản phẩm TPCN đang lưu thông trên thị trường, với hình thức, chủng loại phong phú, đa dạng, người tiêu dùng có nhiều cơ hội thực hiện quyền lựa chọn, nhưng do thật -  giả khó lường nên cũng lúng túng trong việc thực hiện quyền lựa chọn của mình.

Điều đáng quan tâm, lo ngại nữa là việc quảng cáo TPCN hiện nay. Về mặt luật pháp, được cung cấp thông tin chính xác về hàng hóa là một trong 8 quyền của người tiêu dùng; lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo là một trong 8 hành vi bị cấm, được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, hàng hóa là một trong những hành vi bị cấm theo quy định của Luật Quảng cáo. Luật An toàn thực phẩm quy định việc ghi nhãn đối với TPCN phải ghi cụm từ “thực phẩm chức năng” và không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Nhưng trên thực tế, nhiều loại TPCN được quảng cáo như “thần dược” nhưng để né tránh quy định của pháp luật, khi quảng cáo vẫn đọc, trên nhãn ghi “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, chỉ lướt qua, trong khi trước đó đã quảng cáo về công dụng chữa bệnh. Có thể nói, những quảng cáo gây nhầm lẫn, không phải hiếm gặp. Đã từng có trường hợp khi bị cơ quan chức năng phát hiện, cửa hàng kinh doanh đã chuyển địa điểm sang thành phố khác, mang tên pháp nhân, tên sản phẩm khác. 

Một vấn đề khác là về giá cả. Do quảng cáo như thuốc chữa bệnh nên đối với nhiều người tiêu dùng khi có nhu cầu chữa bệnh thì giá cả trở thành thứ yếu. Đây là yếu tố được triệt để khai thác để đẩy giá đem lại lợi nhuận cao trong kinh doanh.

Theo một bài viết trên báo Công an Nhân dân ngày 20/02/2022, theo Bộ Y tế, lợi dụng dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở nước ta vào thời điểm đó, một số đối tượng đã cố tình đưa thuốc kháng virus điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm,… không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, an toàn vào thị trường. Nhiều vụ buôn bán, vận chuyển thuốc điều trị COVID-19, khẩu trang và thiết bị y tế giả, không rõ nguồn gốc đã được cơ quan chức năng phát hiện. Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thu giữ hàng nghìn viên thuốc kháng virus điều trị COVID-19 của một chủ hàng nhập lậu được rao bán trên mạng. Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện cả dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế giả.

Vào thời điểm đó, với số F0 tăng rất cao hàng ngày, trong số đó khoảng 90% điều trị tại nhà, nhu cầu mua, dự trữ thuốc tăng rất cao. Theo khảo sát của phóng viên tại Hà Nội, rất nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn tủ thuốc. Đặc biệt, nhiều gia đình đã dự trữ thuốc kháng đông, kháng viêm, nhất là kháng virus nhãn nước ngoài mua trôi nổi trên mạng trong khi chưa được Bộ Y tế cấp phép. Nhiều thuốc kháng virus được rao bán với giá rất đắt, như thuốc của Nga 2,7 triệu đồng/hộp, thậm chí có thuốc lên tới 7 triệu đồng. Nhiều F0 suy  thận, viêm gan do không tìm hiểu mà đã uống thuốc kháng virus. 

Điển hình ngày 17/2, tại khu vực Cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai), tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ của các đối tượng, 2 thùng thuốc điều trị COVID-19 do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Không chỉ nhập lậu, nhiều đối tượng còn sản xuất thuốc COVID-19 giả. Công an TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện một đối tượng có dấu hiệu buôn bán tân dược giả, trong đó có một số loại thuốc khan hiếm, có chức năng hỗ trợ điều trị COVID-19. Qua kiểm tra, phát hiện 150 hộp thuốc điều trị COVID-19. Đối tượng khai nhận đây là tân dược giả, tự mua nguyên liệu sản xuất bán ra thị trường.

Theo cơ quan quản lý, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực y tế quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm xảy ra và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi. Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, một số đối tượng cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng,... gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, đồng thời ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng.

Vì vậy, làm thế nào để người tiêu dùng mua được thuốc và TPCN bảo đảm chất lượng với giá cả phải chăng là vấn đề đặt ra cho công tác quản lý và cho chính các nhà sản xuất, kinh doanh để đáp lại sự ủng hộ của người tiêu dùng khi họ đã và đang hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Về phía người tiêu dùng, không phải ai cũng hiểu TPCN tuy là loại sản phẩm hữu ích, nhưng phải sử dụng đúng cách mới có tác dụng, chứ không phải thuốc và không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Vì vậy, các nhà chuyên môn đã từng cảnh báo về rủi ro có thể xảy ra, như dị ứng, nặng nhất là sốc phản vệ, nhất là đối với những người có cơ địa nhạy cảm. Nghe quảng cáo thì chữa được “bách bệnh”, nhưng không được tư vấn, hướng dẫn đã sử dụng không đúng cách, thậm chí quá lạm dụng khi cơ thể chưa thực sự cần thiết, hoặc sử dụng phải hàng giả, dẫn đến “tiền mất, tật mang”. Chính vì vậy, không ít người tiêu dùng từ chỗ hy vọng lại chuyển sang thất vọng.

Giá bán cũng là vấn đề làm cho người tiêu dùng bức xúc khi hiệu quả không như quảng cáo, không tương xứng với số tiền bỏ ra, nhất là khi nghe cảnh báo TPCN có thể gây tương tác bất lợi với thuốc dùng trong điều trị. Hậu quả là, nhiều người tuy chưa từng sử dụng nhưng không mấy quan tâm khi nghe quảng cáo về TPCN. Như vậy có thể thấy hiện nay không ít người tiêu dùng vẫn hiểu chưa đúng về TPCN nhưng lại thiếu sự tư vấn, hướng dẫn.

Từ tình hình trên, tôi xin được đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, cụ thể: Tăng cường kiểm tra chống hàng giả, gian lận thương mại đối với TPCN, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính. Phát hiện, xử lý kịp thời và đúng pháp luật các hành vi vi phạm trong quảng cáo TPCN, đặc biệt cần tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của cơ quan chuyên môn.

Thứ hai, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó là quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản; quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ; quyền được lựa chọn; quyền được góp ý về giá cả, chất lượng hàng hóa; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng. 

Thứ ba, người tiêu dùng chỉ nên mua TPCN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; cần có tư vấn khi sử dụng. Thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện TPCN lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn, có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang