Vẻ đẹp mê đắm của núi rừng Sơn La

author 08:41 20/11/2012

(VietQ.vn) - Đến với Sơn La, du khách sẽ có dịp khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc, với những làn điệu dân ca làm say đắm lòng người, những điệu xòe cuốn hút vừa dịu dàng tha thiết vừa rộn ràng, sôi nổi.

Vùng đất Sơn La có vẻ đẹp thuần khiết của núi rừng, của những con suối trong veo trải dài. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này những thắng cảnh hùng vĩ mà nên thơ như Thác Dải Yếm, hang Dơi, hang Trâu, hang Chi Đẩy…

Mảnh đất Sơn La còn là nơi hội tụ sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em: Mông, Dao, Kinh, Mường, Khơ Mú, La ha, Kháng, Xinh Mun, Lào, Hoa, Tày, Thái. Mỗi dân tộc với những nét riêng tạo nên sự giao hòa văn hóa đặc biệt

Ruộng bậc thang tại Sơn La

Những nét đặc trưng về cảnh sắc thiên nhiên và phong tục tập quán độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em chính là tiềm năng lớn để Sơn La đẩy mạnh du lịch lịch sử và văn hóa kết hợp sinh thái.

Sơn La phía bắc giáp Yên Bái và Lai Châu, nam giáp Thanh Hóa và các tỉnh Louangphabang, Houaphan của Lào, phía đông giáp Hòa Bình và Phú Thọ, phía tây giáp Điện Biên. Đường biên giới với Lào dài 250 km.

 

Sơn La có độ cao trung bình 600m so với mặt nước biển. Địa hình chia thành 3 vùng sinh thái: vùng dọc trục quốc lộ 6, vùng hồ sông Đà và vùng cao biên giới.

Điểm nhấn khi đến với Sơn La là cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) nơi hội tụ đủ những điều kiện để trở thành điểm đến du lịch sinh thái của vùng núi cao và trung du Bắc Bộ. Tuy vậy, tiềm năng du lịch mới chỉ hé lộ và khai thác bước đầu.

 

Với độ cao trung bình hơn 1.000m, nằm giữa sông Ðà ở phía đông bắc và sông Mã ở phía Tây Nam, Mộc Châu có khí hậu thoáng mát trong khoảng nhiệt độ trung bình 18,50C hàng năm. Bên cạnh đó, sự đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, có giá trị cao. Ðến Mộc Châu, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của động Sơn Mộc Hương cạnh trung tâm huyện lỵ với các nhũ đá tuyệt đẹp, huyền bí.

Cao nguyên Mộc Châu

Cách Mộc Châu khoảng 40km về phía nam có khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, nơi đây có nhiều rừng nguyên sinh và thú quý hiếm như hổ, gấu... là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Một lợi thế nổi bật khác là Mộc Châu khá gần thủ đô, nếu được quan tâm đầu tư, nơi đây có thể trở thành một trung tâm du lịch giữ vai trò động lực, thúc đẩy sự phát triển du lịch vùng Tây Bắc.

Thiếu nữ bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu trong ngày hội

Các dân tộc Sơn La có nhiều lễ hội như: lễ hội mợi, lễ kéo si, lập tịnh, lễ hội hoa ban, xên bản, xên mường, xíp xí, cầu mưa, cầu mùa, nào xồng, gieo hạt, kin pang then, gội đầu, xên pang ả, mương a ma, mừng cơm mới... cùng các trò chơi dân gian như: đua thuyền, tung còn, ném pa pao, bắn nỏ, giã bánh dày, kéo co, đẩy gậy, đánh tu lu, rồng ấp trứng, tó mak lẹ... Về vũ, nhạc dân tộc có các điệu xòe, múa xạp, múa nón, múa khèn, múa ô, nhảy tha kềnh, múa chuông, múa cống tốp, au eo, cùng câu khắp, lời đang, câu ví...

Cá nướng gập (Pa Pỉnh Tộp) - món ăn cổ truyền của người Thái

Ẩm thực dân tộc Thái tương đối đặc sắc và đa dạng, đặc biệt người Thái sử dụng rất nhiều gia vị để chế biến các món ăn, người ta dùng gia vị nóng để trung hòa những món ăn lạnh, lấy vị chát bùi  trung hòa vị đắng cay… dùng nhiều loại côn trùng, rau, măng khai thác trong rừng  để chế biến thức ăn. Các món ăn của người Thái chủ yếu là nướng và đồ, nhưng để dành ăn dần thì người dân cũng chế biến các món mắm, làm thịt, cá khô…

Có thể nói, với vị trí địa lý và tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Sơn La đang sở hữu những tiềm năng du lịch thiên nhiên và nhân văn hấp dẫn, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự nghiệp phát triển du lịch của cả nước.

Vân Nhi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang