Vì sao công đoạn vận chuyển và phân phối vaccine Covid-19 rất phức tạp?

author 12:17 29/11/2020

(VietQ.vn) - Do vaccine Covid-19 phải được bảo quản ở nhiệt độ từ -70 độ C trở xuống nên công đoạn vận chuyển và phân phối khá phức tạp buộc Mỹ phải nhanh chóng vận hành các chuyến bay quy mô lớn.

United Airlines được cho là bắt đầu vận hành các chuyến bay thuê, giữa sân bay quốc tế Brussels và sân bay quốc tế O’Hare ở Chicago, như một phần trong hoạt động vận chuyển vaccine quy mô lớn đầu tiên bằng đường hàng không do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hậu thuẫn, Wall Street Journal dẫn các nguồn thông thạo vấn đề cho biết.

Thông tin về các chuyến bay thuê được đưa ra khi Pfizer bắt đầu đặt nền móng để vận chuyển vaccine Covid-19 nhanh chóng ngay khi được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng các cơ quan quản lý khác phê duyệt.

Pfizer đã mở rộng khả năng lưu trữ tại những điểm phân phối đặc biệt ở Pleasant Prairie, bang Wisconsin, và Karlsruhe, Đức. Hãng dược phẩm Mỹ dự kiến dùng thùng đông lạnh có kích cỡ bằng valy trên các máy bay chở hàng và xe tải để phân phối vaccine khắp thế giới.

United Airlines sẽ cho phép chở gấp 5 lần lượng đá khô thông thường trên khoang để bảo quản vaccine ở nhiệt độ lạnh cần thiết.

Mỹ đang nhanh chóng vận hành các chuyến bay để vận chuyển và phân phối vaccine covid-19. Ảnh minh họa 

Pfizer và United Airlines hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin này. Các hãng hàng không chở khách và hàng hoá khác cũng đang bắt đầu chuẩn bị cho những chuyến hàng vaccine.

Andrew Peterson, phó giáo sư triết học tại đại học George Mason, cho hay việc vận chuyển và phân phối vaccine Covid-19 rất phức tạp, do vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ từ -70 độ C trở xuống.

"Công tác hậu cần phân phối vaccine Pfizer, nếu nó được chứng minh là an toàn và hiệu quả, không nghi ngờ gì sẽ là một nhiệm vụ rất nặng nề", ông Peterson nói. "Ngoài thách thức về vận chuyển vaccine bằng hàng không và đường bộ đến các trung tâm phân phối trên khắp nước Mỹ và toàn cầu, còn có những trở ngại khác trong việc bảo quản vaccine ở nhiệt độ âm và giám sát việc vận chuyển tránh xảy ra trộm cắp".

Trước đó, hãng Pfizer thông báo đã hoàn tất thử nghiệm vaccine Covid-19 BNT162b2, đạt hiệu quả 95%, không để lại tác dụng phụ đáng kể. Pfizer đã nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp lên FDA hôm 20/11, kỳ vọng sớm cho ra mắt loại vaccine hiệu quả, góp phần chấm dứt đại dịch.

FDA chưa thông báo sẽ mất bao lâu để nghiên cứu dữ liệu vaccine, nhưng chính phủ Mỹ dự kiến "bật đèn xanh" cho BNT162b2 trong 2 tuần đầu tiên của tháng 12. Nếu được FDA cấp phép, Pfizer có thể sản xuất 50 triệu liều vào cuối năm, đạt 1,3 tỷ liều vào năm 2021. Khoảng một nửa trong số đó được phân phối cho Mỹ, đủ dùng cho khoảng 12,5 triệu người.

Mỹ dự định tiêm chủng miễn phí cho người dân, theo các điều khoản của thoả thuận mua vaccine trị giá 1,95 tỷ USD mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã ký kết với Pfizer. Trước đó, hãng khẳng định họ không nhận tiền tài trợ nghiên cứu từ Chiến dịch Thần tốc do Trump khởi xướng, nhằm đảm bảo tính độc lập về chính trị trong quá trình phát triển vaccine.

Mỹ tung ra khẩu trang mới có công dụng phòng Covid-19 hiệu quả (VietQ.vn) - Mới đây các nhà sản xuất tại Mỹ đang tung ra một số loại khẩu trang mới có tác dụng bảo vệ người dùng khỏi Covid-19 nhờ lớp màng bọc tinh vi.

Liên quan tới vaccine Covid-19, vaccine Covid-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) hợp tác phát triển là sản phẩm đầu tiên nổi đình nổi đám vì là vaccine đầu tiên được thử nghiệm trên người. Vaccine này được các nước có thu nhập thấp rất quan tâm bởi rẻ tiền hơn của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna (do sử dụng công nghệ truyền thống) và dễ bảo quản hơn (bảo quản trong tủ lạnh bình thường) nên về hậu cần dễ triển khai nhanh trên quy mô lớn do giá rẻ hơn và dễ bảo quản hơn nên vaccine Covid-19 của AstraZeneca/Oxford (Anh) được nhiều nước quan tâm. Thế nhưng vaccine này đã bị chỉ trích tơi tả sau khi công bố đạt hiệu quả 70% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Trả lời Hãng tin Bloomberg, giám đốc điều hành Công ty đa quốc gia AstraZeneca (trụ sở ở Anh), Pascal Soriot, cho biết cần phải thử nghiệm bổ sung đối với vaccine Covid-19 để bảo đảm độ tin cậy.

Ông giải thích: "Kết quả nghiên cứu quốc tế mới này có thể nhanh hơn vì chúng tôi biết hiệu quả cao nên cần số lượng bệnh nhân ít hơn".

Theo báo Le Parisien (Pháp), nguyên nhân AstraZeneca bị chỉ trích do đã che giấu sai sót trong quá trình thử nghiệm. Hiệu quả đạt 70% thật ra có được từ hai phác đồ thử nghiệm khác nhau.

Nhóm đầu tiên do sơ suất nên nhận được liều lượng thấp gồm lần đầu nửa liều và lần sau đủ một liều. Hiệu quả đạt được 90%. Nhóm thứ hai được tiêm 2 liều đầy đủ. Hiệu quả giảm chỉ còn 62%.

Như vậy nếu tiêm đủ hai liều, vaccine thực sự chỉ đạt hiệu quả 62%. Cũng do sơ suất nên chỉ có 3.000 người tình nguyện tham gia phác đồ đầu tiên.

Các nhà khoa học của Đại học Oxford thừa nhận họ không thể giải thích vì sao vaccine đạt hiệu quả cao hơn khi được tiêm chỉ nửa liều. AstraZeneca thừa nhận có sai sót do con người.

Ngoài ra, TS Moncef Slaoui - giám đốc khoa học của chiến dịch Warp Speed (chiến dịch phát triển và phân phối vắc xin Covid-19 của Mỹ) - chỉ ra nhóm đầu tiên nhận nửa liều chỉ toàn người dưới 55 tuổi, như vậy các nhóm có nguy cơ cao hơn đã bị loại trừ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang