Vì sao giá xăng dầu giảm mà giá hàng hóa vẫn ‘giậm chân tại chỗ’?

author 07:23 31/07/2022

(VietQ.vn) - Lý giải nguyên nhân, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng thiết yếu lại không được điều chỉnh giảm tương ứng vì các doanh nghiệp cần thời gian để điều chỉnh, cân đối lại chi phí sản xuất.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/7, xăng dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt mạnh khi giá xăng RON95 giảm 3.605 đồng/lít, về mức 26.070 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 2.715 đồng/lít, về mức 25.073 đồng/lít. Dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm trong kỳ điều hành ngày 1/8 tới đây.

So với thời điểm cuối tháng 6, tính đến nay mỗi lít xăng đã rẻ hơn gần 7 nghìn đồng, mỗi lít dầu diesel rẻ hơn 5 nghìn đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá các loại hàng hóa thiết yếu vẫn chưa có tín hiệu giảm theo.

So với thời điểm cuối tháng 6, tính đến nay mỗi lít xăng đã rẻ hơn gần 7 nghìn đồng, mỗi lít dầu diesel rẻ hơn 5 nghìn đồng. Ảnh minh họa. 

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Hồng Vân (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thời điểm xăng tăng kỷ lục sát mức 33.000 đồng, giá hàng hóa cũng “té nước theo mưa” tăng mạnh. Người bán bảo rằng giá xăng tăng nên chi phí đội lên, giá cao hơn. Ấy thế nhưng khi xăng giảm giá sâu thì không thấy giá các loại hàng hóa giảm theo”.

Một bà nội trợ khác, chị Thanh Mai (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Mọi thứ tăng giá khiến gia đình 4 miệng ăn như nhà tôi phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa. Chi phí hàng tháng cao lên trong khi mức lương không tăng khiến cuộc sống chật vật hơn. Việc giá xăng giảm đã làm giảm bớt áp lực cuộc sống rất nhiều, tuy nhiên hi vọng các loại hàng hóa cũng "hạ nhiệt" trong thời gian tới”.

Theo khảo sát của PV, giá các mặt hàng như thịt lợn, dầu ăn, trứng gà, rau củ quả... nói chung đều tăng, có mặt hàng tăng đến 25% so với thời điểm trước khi xăng lên giá. Cụ thể, thịt lợn có giá từ 110.000 đồng-140.000 đồng/1 kg, rau muống 9 nghìn đồng/mớ, trứng gà 33.000 đồng/10 quả,... Đặc biệt, ghi nhận tại nhiều cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ có tình trạng người bán tự tăng giá cao các loại mặt hàng thiết yếu. Hoặc tại các chợ dân sinh, mức giá cũng rất khác nhau, mạnh ai nấy bán theo giá riêng, chưa có dấu hiệu giảm giá theo giá xăng.

Ghi nhận tại nhiều cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ có tình trạng người bán tự tăng giá cao các loại mặt hàng thiết yếu. Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều năm qua, khi giá xăng dầu tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng ngay lập tức. Thế nhưng, khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm tương ứng vì doanh nghiệp cần thời gian để điều chỉnh, cân đối lại chi phí sản xuất.

“Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính. Do vậy, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này”, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Văn Phú, qua theo dõi giá hàng hóa bán lẻ nhiều năm, giá có thể lên 3 bậc nhưng khó giảm nửa bậc. Tình trạng hàng hóa không chịu giảm giá có trách nhiệm chính thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Bên cạnh đó, hàng nghìn mặt hàng buôn bán tại chợ truyền thống hiện đang bị thả nổi, không thể quản lý được bởi đó là mặt hàng tự do, nhiều thì bán rẻ, ít thì bán đắt.

“Hơn 80% hàng tươi sống ở chợ truyền thống chúng ta không quản lý được. Do vậy, muốn quản lý được giá các cơ quan chức năng phải chọn những mặt hàng thiết yếu để bình ổn. Trong lúc cấp bách phải có những biện pháp cấp bách. Điều này trong Luật giá của chúng ta cũng cho phép, muốn làm được thì Quản lý thị trường phải làm quyết liệt hơn nữa”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Ngoài ra, ông Phú cho rằng, tại thời điểm hiện nay, nên chọn những mặt hàng có biến động mạnh để đưa ra mức giá trần như: xăng dầu, sách giáo khoa, thịt lợn, thịt bò… bởi mức giá trần là cây gậy để kiểm soát giá, nhất là những mặt hàng đột biến giá mạnh, đột biến một cách vô lý.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang