Vì sao một số nước 'cấm tiệt' Coca-Cola?

author 11:08 13/12/2012

(VietQ.vn) - Sau gần 60 năm, Coca-Cola được chính thức tiêu thụ trở lại tại Myanmar. Đây là một trong những thương hiệu được công nhận nhất trên thế giới nhưng vẫn không được lưu hành tại một số quốc gia.

Coca-Cola bán 1,8 tỷ chai nước giải khát mỗi ngày trên thế giới. Tuy nhiên, trong sáu thập kỷ qua, không một chai Coca-Cola nào được mua tại Myanmar.

Nguyên nhân của việc này là do cấm vận thương mại của Mỹ vào chính quyền quân sự trị vì Myanmar từ 1962 đến 2011. Những biện pháp trừng phạt đã bị đình hoãn vài tháng trước đây, khi đất nước này bắt đầu hướng tới cải cách dân chủ.

Theo bản tin truyền hình của đài BBC Asia, Coca-Cola cho biết những đợt giao hàng đầu tiên từ Mỹ đến Myanmar đã cập cảng, và việc xây dựng nhà máy sản xuất nội địa sẽ được bắt đầu trong tương lai gần.

Lô hàng đầu tiên của Coca-Cola đã cập cảng của Myanmar
Lô hàng đầu tiên của Coca-Cola đã cập cảng của Myanmar

Trong cuốn sách "Thế giới trong chiếc cốc: 6 đồ uống thay đổi lịch sử nhân loại" của tác giả Tom Standage, Coca-Cola được ví như một đế chế hùng mạnh, thống trị cả tinh thần và nhu cầu thể chất cơ bản của con người.

"Khoảnh khắc Coca-Cola bắt đầu vận chuyển chai nước đầu tiên là thời điểm những thay đổi kinh tế thực sự xảy ra. Coca-Cola đã gần đạt đến ngưỡng phát triển của chủ nghĩa tư bản chỉ trong một cái chai", Tom Standage nhận định.

 

 

Đối thủ của Coca-Cola là PepsiCo cũng đã công bố kế hoạch bắt đầu bán hàng tại Myanmar.

Hiện nay, có hai nước trên thế giới mà Coca-Cola không được lưu hành chính thức là Cuba và Bắc Triều Tiên. Cả hai nước đều thuộc lệnh cấm vận thương mại dài hạn của Mỹ (Cuba kể từ năm 1962 và Bắc Triều Tiên kể từ năm 1950).

Trên thực tế, Cuba lại chính là một trong ba quốc gia đầu tiên sau Mỹ sản xuất nước uống đóng chai chai Coke, vào năm 1906. Nhưng công ty này đã rời khỏi Cuba sau khi chính phủ của Fidel Castro bắt đầu tịch thu tài sản tư nhân trong những năm 1960, và hiện vẫn chưa trở lại.

Ở Bắc Triều Tiên, các phương tiện truyền thông phát hiện gần đây cho thấy Coca-Cola đã được bán tại một nhà hàng ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Coca-Cola cho biết nếu bất kỳ đồ uống nào của hãng đang được bán tại Bắc Triều Tiên hoặc Cuba, thì sản phẩm đó được nhập lậu vào thị trường, chứ không phải thông qua các kênh chính thức.

Thay đổi lớn với kinh tế Myanmar khi Coca-Cola và Pepsi được lưu hành?

Coca-Cola luôn cố gắng không bị dính líu đến các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, Coca-Cola là một thương hiệu gắn liền với tên tuổi của nước Mỹ, cùng lịch sử phát triển gắn liền cùng các cuộc chiến lớn trên thế giới như Đại chiến thế giới thứ 2 và Chiến tranh lạnh. Điều đó khiến Coca-Cola là biểu tượng cho nhiều sự chỉ trích, chống đối.

Trước đó, khu vực chính mà Coca-Cola đã phải vật lộn để lưu hành trong lịch sử là Trung Đông, phần lớn là phong trào tẩy chay của Liên đoàn Ả Rập từ những năm 1968-1991, để trừng phạt việc thức uống này được bán ở Israel.

Năm 2003, người biểu tình ở Thái Lan đã đổ Coca-Cola trên đường phố để phản đối chiến tranh Iraq do Mỹ dẫn đầu, đồng thời, Coca-Cola cũng ngừng tiêu thụ ở đất nước này trong vài tháng.

Gần đây, tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang cân nhắc lệnh cấm lưu hành Coca-Cola còn tổng thống Venezuela Hugo Chavez lại kêu gọi mọi người uống nước ép trái cây địa phương thay vì uống Coca-Cola hay Pepsi.

Nhìn lại chặng đường 126 năm, Coca-Cola vẫn tiếp tục tiến về phía trước với doanh số tăng trưởng rõ rệt, tốc độ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại các thị trường của các nên kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil.

Thanh Bình

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang