Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu và đưa vào lưu hành sản xuất giống lúa mới

author 12:10 21/02/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu các giống lúa trong vụ Đông Xuân 2023-2024. Với những đặc tính vượt trội, các giống lúa mới được lựa chọn sẽ giúp đẩy mạnh phát triển sản xuất, bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng lân cận.

Cụ thể, trong số 20 giống được chia thành 4 nhóm theo phân khúc thị trường (giống lúa thơm, giống lúa chất lượng cao, giống cao sản và nhóm các loại giống khác) được trình diễn, giới thiệu, ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đơn vị cố gắng lựa chọn 3 giống mới để đưa vào lưu hành, sản xuất trong năm 2024.

Ở nhóm lúa chất lượng cao, Viện Lúa sẽ giới thiệu giống OM3. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 98-105 ngày, chiều cao cây khoảng 90-110 cm, khả năng đẻ nhánh khá, dạng hình đẹp; mỗi m2 khoảng 260-340 bông, mỗi bông khoảng 70-90 hạt chắc; năng suất khoảng 6-8 tấn/ha; tỷ lệ gạo nguyên khoảng 54-65%, hạt gạo đẹp, thon dài, cơm mềm, dẻo, ngon và có mùi thơm nhẹ. Giống lúa canh tác được các vụ trong năm và các vùng sinh thái nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với nhóm giống lúa thơm, Viện Lúa sẽ giới thiệu giống lúa OM63, giống lúa này hạt dài, mùi thơm rất đậm và được đánh giá rất ngon cơm. Bên cạnh giống OM8 (không thích hợp với vụ Đông Xuân, dễ đổ ngã), kỳ vọng giống OM63 có thể phát triển tốt cho cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Riêng nhóm các giống lúa khác, Viện Lúa cố gắng giới thiệu giống lúa cao sản, năng suất cao để bù cho giống IR50404 hiện nay đang bị thoái hóa nhiều.

Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long Trần Ngọc Thạch nhận định, giống lúa khi đưa vào sản xuất tồn tại trong điều kiện trồng khoảng 2-3 vụ/năm do áp lực sâu bệnh lớn, thâm canh cao, dòng đời của lúa sẽ bị rút ngắn lại. Giống có tính chống chịu tốt tồn tại khoảng 10 năm sẽ bị thoái hóa. Chính vì thế, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục lai tạo và chọn thêm những giống mới thay thế cho những giống bị thoái hóa; tiếp tục phục tráng, duy trì lại tính đúng giống.

Giống lúa Hatri25 có khả năng chống chịu ngập, khô hạn, mặn hoặc thời tiết bất lợi, phù hợp trồng ở những vùng trũng. Ảnh minh họa 

Thông tin về 4 giống lúa, GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện HATRI cho biết: Giống lúa Hatri 10 được lai tạo và chọn lọc từ năm 2014, có khả năng đẻ nhánh khá, chống chịu khô hạn tốt, năng suất cao từ 7 - 9 tấn/ha. Trong khi đó, được lai tạo và chọn lọc từ năm 2026, giống lúa Hatri25 có khả năng chống chịu ngập, khô hạn, mặn hoặc thời tiết bất lợi, phù hợp trồng ở những vùng trũng.

GS.TS Nguyễn Thị Lang đánh giá, giống lúa Hatri475 thích hợp trồng ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang và thành phố Cần Thơ. Trong khi đó, giống lúa Hatri10 đang được nhân rộng thử nghiệm khoảng 100ha trên các cánh đồng ở tỉnh An Giang.

Để tránh tình trạng đưa vào sản xuất ào ạt, không khai thác được những giá trị của giống lúa mới, gây lãng phí tiềm lực, tài nguyên và nhân lực đầu tư cho công tác chọn tạo giống, ông Trần Ngọc Thạch - Bí thư Đảng Ủy và Viện Trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, thời gian gần đây, Viện Lúa xây dựng lại chiến lược lựa chọn giống. Trong từng nhóm giống lúa phải lựa chọn, chắt chiu cẩn thận và khoảng 2-3 năm đưa ra lưu hành một giống mới. Hằng năm, bên cạnh những giống lúa cũ, phổ biến.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang