Việt Nam-Thụy Sỹ: Thúc đẩy hợp tác song phương về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

author 10:07 06/10/2019

(VietQ.vn) - Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thụy Sỹ, Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Bộ trưởng Chu Ngọc Anh dẫn đầu đã đến thăm và làm việc, ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Bộ trưởng Chu Ngọc Anh dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Ủy ban Nhà nước về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ. Tham gia Đoàn công tác còn có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và bà Martina Hirayama, Quốc vụ khanh phụ trách giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Thụy Sỹ đã trao đổi, đánh giá về tiềm năng và định hướng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

Thông tin về tình hình phát triển KH&CN những năm gần đây, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Việt Nam luôn xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng. KH&CN đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia bước đầu hình thành và chuyển dịch theo hướng doanh nghiệp trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo cũng đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Thị trường KH&CN bước đầu có những chuyển dịch mạnh theo hướng gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh.

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Thụy Sỹ - một trong những nước năng động nhất thế giới về hoạt động nghiên cứu và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và bà Quốc vụ khanh Martina Hirayama đã ký Tuyên bố hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ. 

Nhằm tăng cường hợp tác, hai bên thống nhất thúc đẩy các chương trình đồng tài trợ cho các dự án nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học hai nước, đặc biệt là thông qua các Quỹ nghiên cứu, trong đó có hợp tác giữa Quỹ NAFOSTED của Việt Nam và Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sỹ. Hai bên nhất trí cao đối với việc tạo điều kiện, khuyến khích hoạt động hợp tác giữa các nhà khoa học dưới nhiều hình thức khác nhau như nghiên cứu chung, tổ chức hội thảo khoa học, đào tạo chuyên ngành; thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với Thụy Sỹ trong một số lĩnh vực mà Thụy Sỹ có thế mạnh như: công nghiệp dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và bà Quốc vụ khanh Martina Hirayama đã ký Tuyên bố hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ. Văn bản ký kết này sẽ tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đã có buổi làm việc với ông Marcel Tanner, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Sỹ. Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua, cơ chế, chính sách về KH&CN của Việt Nam đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để dần từng bước đưa KH&CN gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương; khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN; khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đầu tư cho KH&CN của Việt Nam cũng dần được quan tâm hơn.

Với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Thụy Sỹ, đặc biệt là trong việc xác định phương pháp và tổ chức thực hiện việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực về KH&CN.

Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, đặc biệt là trong xây dựng chiến lược, chính sách KH&CN, nghiên cứu, phát triển công nghệ về đa dạng sinh học và trao đổi sinh viên thông qua các hoạt động nghiên cứu chung trong thời gian tới.

Cùng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Thụy Sỹ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã có buổi làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ tại Zurich và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ.

Tham dự buổi làm việc có ông René Kalt, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ tại Zurich; ông Raphaël Tschanz, Phó Giám đốc Quỹ Đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ. Về phía Việt Nam có bà Lê Linh Lan, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ và các thành viên đoàn tháp tùng Bộ trưởng và cán bộ Đại sứ quán.

Đoàn công tác làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ tại Zurich. 

Tại buổi làm việc, Đoàn đã nghe ông René Kalt chia sẻ về quá trình hình thành và vận hành, quản lý Trung tâm Đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ tại Zurich với vai trò là cầu nối giữa tri thức của các trường đại học nổi tiếng của Zurich với kinh nghiệm về thực tế và thị trường của các tập đoàn hàng đầu Thụy Sỹ. Trung tâm này đặt mục tiêu chủ yếu là thu hút các dự án nghiên cứu mới, hỗ trợ nền kinh tế khu vực theo cách tiếp cận bền vững và linh hoạt.

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao mô hình hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ tại Zurich với nhiều điểm nổi bật mà phía Việt Nam có thể học hỏi như về mô hình quản lý vận hành, tài trợ hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, kết nối hoạt động nghiên cứu với doanh nghiệp... Bộ trưởng đề nghị Trung tâm tạo điều kiện cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách của Việt Nam sang trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm.

Ông René Kalt nhất trí cùng đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên thông qua các hoạt động cụ thể, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Trước mắt, hai bên xem xét khả năng đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu về mô hình và kinh nghiệm thực tế triển khai của các bên, trong đó có hoạt động của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tại buổi làm việc với Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ (ETH Zurich), ông Detlef Gunther, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và quan hệ kinh tế của ETH Zurich cho biết, ETH Zurich hoạt động từ năm 1855, là một cơ sở giáo dục đại học về KH&CN với 3 chức năng chính: giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tập trung vào một số lĩnh vực chuyên ngành.

ETH Zurich thường được xếp hạng vào những trường đại học hàng đầu trên thế giới, khoảng từ thứ 3 đến thứ 6 ở châu Âu và khoảng từ thứ 6 đến thứ 27 trong xếp hạng trên toàn thế giới (theo Hệ thống xếp hạng các trường đại học trên thế giới và Xếp hạng các đại học trên thế giới của tạp chí Times).

Hiện nay, ETH Zurich đào tạo hơn 21.000 sinh viên (đến từ hơn 120 quốc gia), khoảng 2.600 giảng viên và nhân viên đang theo học, giảng dạy và làm việc tại đây. Đến nay, có 21 người đạt giải Nobel đã từng học tập, giảng dạy, nghiên cứu tại  ETH Zurich, trong đó có Albert Einstein.

Trên cơ sở nội dung trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và ông Detlef Gunther đã thống nhất về việc hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu chung; trao đổi cán bộ giảng dạy, nghiên cứu; gửi và tiếp nhận nghiên cứu sinh thuộc một số lĩnh vực Việt Nam quan tâm và Thụy Sỹ có thế mạnh.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang